Xe máy vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông nhan nhản
Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn khiến 22 người bị thương trên đường Võ Chí Công (Q.Tây Hồ, Hà Nội), ngày 6.4, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết báo cáo của cơ quan công an thể hiện tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh đã đạp nhầm chân ga nên gây ra vụ tai nạn.
"Qua kiểm tra, tài xế không có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy. Cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ vụ tai nạn này", ông Khuyến thông tin thêm.
Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, một góc camera ở ngã tư Võ Chí Công - Xuân La đã ghi lại được khoảnh khắc đèn tín hiệu đang màu đỏ hướng đi Xuân La - Xuân Đỉnh. Khi đèn đỏ còn khoảng 4 giây mới chuyển sang màu xanh, đã có khoảng 17 - 18 xe máy vượt qua vạch sơn kẻ ngang đường để di chuyển qua ngã tư. Trong khi đó, ở hướng ngược lại (Xuân Đỉnh - Xuân La) có khoảng hơn 20 phương tiện đứng giữa ngã tư để chờ qua đường.
Quá trình đèn tín hiệu vừa chuyển sang màu xanh, các phương tiện nhanh chóng di chuyển, trong đó có 5 - 6 phương tiện đã đi ra giữa đường. Lúc này, xe ô tô do tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển với tốc độ cao lao qua ngã tư hướng từ cầu Nhật Tân vào nội thành và tông thẳng vào các phương tiện trên khiến một số người bị hất văng. Trong đoàn xe này, có khoảng 5 - 6 phương tiện đi nhanh hơn nên "thoát nạn", những phương tiện đang đi sau được một phen khiếp vía.
Mặc dù góc camera này không thể hiện được tín hiệu đèn giao thông hướng đi của tài xế Vĩnh, nhưng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người dân đang có tâm lý vội vàng, mỗi khi di chuyển qua các ngã tư. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người dân đi xe máy khi tham gia giao thông tại Hà Nội hiện nay.
Theo ghi nhận của Thanh Niên ngày 6.4, tại các ngã tư có đèn xanh đèn đỏ ở nhiều tuyến phố Hà Nội đều xảy ra tình trạng các phương tiện lấn vạch sơn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Tình trạng vi phạm luật an toàn giao thông còn diễn ra ngay cả khu vực có cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Anh Phan Chí Hiếu (29 tuổi, trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tình trạng người dân vượt đèn đỏ ở Hà Nội hiện nay diễn ra thường xuyên, kể cả vào giờ cao điểm. Chính vì vậy, vụ tai nạn là lời cảnh tỉnh đối với những ai thường xuyên vi phạm luật an toàn giao thông, không nên nhanh vài giây đèn đỏ để rồi "chậm cả đời"
"Nhiều người dân tham gia giao thông với văn hóa rất kém. Nhiều lần tôi đứng chờ đèn đỏ ở đầu, khi đồng hồ còn khoảng 4 - 5 giây nếu không nổ máy di chuyển trước thì những phương tiện đằng sau bóp còi inh ỏi, nhất là những người lái taxi. Tôi cũng không hiểu họ đi nhanh như thế để làm gì khi các phương tiện ở phía đối diện vẫn chưa dừng lại", anh Hiếu bức xúc.
Cùng quan điểm với anh Hiếu, anh Nguyễn Anh Ngọc (24 tuổi, trú Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã chứng kiến nhiều vụ va chạm khi người dân cố tình vượt đèn đỏ nên mỗi khi đi làm anh di chuyển rất cẩn thận. "Nhiều vụ việc tai nạn xảy ra rất thương tâm mà nguyên nhân đều do một trong 2 người đi sai đường, chính vì vậy, tôi luôn dặn người thân khi ra đường hãy cẩn thận, di chuyển đúng với tốc độ được quy định", anh Ngọc nói.
Nhanh một vài giây nhưng hậu quả khôn lường
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho biết vụ tai nạn trên đường Võ Chí Công là hy hữu, từ trước đến nay ít có trường hợp nào đi giữa đường phố mà lại đạp nhầm chân phanh thành chân ga rồi đâm vào nhiều người như thế.
Tài xế đã cao tuổi, khi đi xe có thể đã bị ảnh hưởng về tâm lý hoặc đang suy nghĩ về điều gì dẫn đến đạp nhầm chân ga. Tuy nhiên, người dân cũng phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm và dứt khoát phải tuân theo tín hiệu đèn giao thông.
"Tại những ngã tư, khi tín hiệu đèn chuyển từ xanh sang đỏ hay từ đỏ sang xanh thì vẫn có tỷ lệ người dân chưa kịp di chuyển hết qua ngã tư. Ở phía đối diện, khi thấy còn khoảng 3 - 4 giây là tới đèn xanh, người dân sẽ có tâm lý di chuyển lên trước và đương nhiên gây ra xung đột giao thông. Đây là yếu tố gây ra tai nạn giao thông bởi dòng xe ở thủ đô rất đông đúc, lộn xộn", ông Thủy phân tích.
Theo ông Thủy, tình trạng người dân di chuyển khi đèn tín hiệu còn vài giây nữa với chuyển sang xanh còn xuất hiện ở những khi đường vắng nên cũng cần phải rất lưu ý. "Những đoạn ngã tư vắng thì các xe hay vọt lên sớm cũng rất nguy hiểm", ông Thủy nhận định.
Vị chuyên gia giao thông cũng cho rằng câu "nhanh một giây, chậm cả đời" khi áp dụng trong trường hợp tai nạn này cũng khá chính xác.
"Tình huống đó chỉ chênh nhau một vài giây thôi, những người vọt lên trước đa số bị chiếc xe ô tô đụng phải, những chiếc xe đi đúng đều không bị", ông Thủy nói.
Ông Thủy cho biết thêm, bản thân khi tham gia giao thông ở Hà Nội cũng nhiều lần bị các phương tiện đứng sau bóp còi inh ỏi nếu không chịu di chuyển khi tín hiệu đèn chuẩn bị chuyển từ đỏ sang xanh. Với trường hợp này, ông đều bình tĩnh bởi đèn chưa bật thì chưa thể di chuyển.
"Khi tham gia giao thông, có những người đi nhanh, có người lại đi chậm. Đáng chú ý, những người đi nhanh thường có tâm lý thích đi nhanh hơn người khác, đây là điều rất nguy hiểm. Nếu làm việc mà làm nhanh thì rất tốt nhưng khi tham gia giao thông mà như vậy thì không ổn", ông Thủy nhấn mạnh.
Qua sự việc, ông Thủy cho rằng, người dân khi tham gia giao thông cần tập trung, cẩn thận, đặc biệt phải tuân thủ đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư bởi chỉ cần nhanh vài giây thôi cũng có thể xảy ra tai nạn và để lại hậu quả khôn lường.
Hai tài xế ô tô sử dụng điện thoại khi đi qua Ngã Tư Sở
ĐÌNH HUY