Đạp nhầm chân ga gây ra khoảng 16.000 vụ tai nạn ở Mỹ và 6.700 vụ tai nạn ở Nhật Bản mỗi năm, theo NHTSA và Automobile Writer.
William Mutugi, tay viết chuyên về ô tô của Automobile Writer, thừa nhận ngay khi vừa có bằng lái, anh đã tông vào đuôi xe buýt. Lỗi do anh đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh. May mắn không có ai bị thương. Nhưng có thể thấy, lỗi đạp nhầm chân ga phổ biến hơn nhiều người nghĩ.
Vậy có cách nào để tránh không?
Sau lỗi tai nạn mà Mutugi cho rằng “ngớ ngẩn” đó, anh đã đi tìm hiểu cách để không lặp lại sai lầm lần thứ hai và tổng kết lại trong bài viết đăng trên Automobile Writer.
Để cần số chế độ N hoặc P
Hầu hết lỗi đạp nhầm chân ga xảy ra khi lái xe ở tốc độ thấp, hoặc đang chuẩn bị giảm tốc/dừng xe. Chân người lái có thể trượt từ bàn đạp phanh sang bàn đạp ga, hoặc đạp nhầm chân ga trong khi đang định phanh lại. Hầu hết các vụ nhầm lẫn này sẽ dẫn đến va chạm. Nếu may mắn, sẽ không có thiệt hại về người.
Để ngăn chặn điều này, Mutugi cho biết hãy chuyển cần số sang chế độ N (hay số mo) khi dừng trong vài phút, hoặc P khi dừng lâu. Ở chế độ N, động cơ bị ngắt kết nối với hộp số và bánh xe. Ở chế độ P, hộp số bị khóa. Như vậy, ngay cả khi đạp chân ga, không có lực được truyền tới các bánh.
“Rời chân ga là phải rà chân phanh”
Quy tắc này nghĩa là chân phải chỉ có ga hoặc phanh, không rời chân đi bất kỳ vị trí nào khác để nghỉ khi đang lái xe. Tốt nhất, sau khi đạp chân ga và hoàn tất thao tác, di chuyển luôn chân sang bàn đạp phanh. Làm như vậy sẽ giúp phanh nhanh nhất mà ít nhầm lẫn nhất.
Hãy biến quy tắc này thành thói quen, không chỉ hạn chế đạp nhầm mà còn giúp tài xế phản ứng nhanh chóng với biến cố bất ngờ trên đường hơn.
Căn chỉnh chân
Một cách để tránh nhầm lẫn là tì gót chân trên sàn, thẳng hàng với bàn đạp phanh, coi đây như điểm tựa. Chỉ di chuyển phần mũi chân để chuyển đổi giữa hai bàn đạp. Khi gót chân cố định gần với bàn đạp phanh, tài xế cũng sẽ có xu hướng đạp phanh hơn do thuận chân hơn, giảm thiểu nguy cơ đạp nhầm chân ga.
Sử dụng phanh tay
Phanh tay còn được gọi là phanh khẩn cấp, phanh điện tử, có dạng tay nắm dễ dàng kéo hoặc nhấn nút, đôi khi ở dạng bàn đạp. Phanh tay được sử dụng trong trường hợp đỗ xe, giúp cho xe không bị di chuyển khi bạn dừng đỗ.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, kéo phanh tay cũng có thể giúp hãm xe trong trường hợp đạp nhầm chân ga. Lúc này, cũng không thể giật mạnh mà cần kéo phanh từ từ để tránh bánh bị khóa bánh bất ngờ, xe có thể bị xoay ngang và gây ra tai nạn.
Tư thế ngồi thoải mái, tránh dép xỏ ngón
Khi vào trong xe, thiết lập mọi thứ - ghế, gương, vô lăng... - phù hợp với bản thân nhất, giúp tài xế ở trong trạng thái thoải mái nhất.
Trước khi lái, kiểm tra xem có thể chạm tới bàn đạp một cách thoải mái hay không. Kéo ghế lên phía trước hoặc lùi lại một chút nếu cần.
Tránh với tay lấy thứ gì đó. Hãy nhờ người đồng hành hoặc dừng xe để thao tác.
Mang giày thoải mái để chân dễ dàng di chuyển giữa hai bàn đạp. Luôn để sẵn giày bệt nhẹ trong xe để dùng cho trường hợp buộc phải đi những bốt, giày cao gót vì lý do nào đó. Cũng không nên dùng dép xỏ ngón, vì dễ dàng bị tung ra, dễ dàng trượt chân hơn.
Tập trung khi lái xe
Một trong nhiều yếu tố dẫn đến đạp nhầm chân ga là tài xế lơ đãng. Sự tập trung, bình tĩnh sẽ giúp tài xế đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.
Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe, tránh với đồ trong khi xe di chuyển, tránh nhìn ngang ngó dọc.
Ngoài ra, có một điểm mà tài mới có thể ít biết đến: Không nhất thiết phải nhấn ga để xe di chuyển. Chỉ cần buông lỏng chân phanh hoặc bàn đạp côn cũng đủ. Nếu cảm thấy tay lái còn run, bạn hãy luyện tập nhiều hơn nữa.
Đánh giá năng lực lái xe
Nếu cho người khác mượn xe, tốt nhất nên đánh giá khả năng lái xe của họ. Những người quá trẻ (dưới 20) hoặc quá lớn tuổi (trên 65) thường có nguy cơ mắc phải nhiều lỗi dẫn đến đạp nhầm chân ga, chẳng hạn người trẻ tuổi dễ phân tâm hay người già có thể đãng trí.
Theo trang The Star, thống kê cho thấy người lớn tuổi có nguy cơ đạp nhầm chân ga hơn cả. Các chuyên gia cho rằng có thể là do trục trặc trong phản ứng cảm giác - vận động - điều thường bị suy thoái theo tuổi tác.
Luc Tremblay, giáo sư Đại học Toronto, cho biết: “Luôn có một mức độ sai sót trong các hành động mà chúng ta thực hiện”. Và trong trường hợp cụ thể là đạp nhầm chân ga: “Nếu các cơ quan thụ cảm ở chân đang diễn giải chân đang đạp phanh, thì bạn không thể nghĩ rằng thực tế mình đang đạp ga. Bạn nghĩ rằng chiếc xe không ăn phanh nên lại nhấn ga mạnh hơn nữa, vì bạn nghĩ chắc chắn bản thân đang để chân đúng. Sau đó, sự hoảng loạn chiếm ưu thế, và đây lại là khía cạnh tâm lý khác”.
Ngoài ra, những người không có tay lái cứng thường có phản xạ chậm hơn. Vì vậy, có sức khỏe tốt khi lái xe cũng giúp giảm khả năng đạp nhầm chân ga.
* Bạn có những nguyên tắc nào khi lái xe để đảm bảo an toàn? Mời bạn chia sẻ trong phần Bình luận cuối bài viết.
Lực lượng chức năng xác định chiếc ô tô tông 17 xe máy trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) không có lỗi về kỹ thuật. Tai nạn là do tài xế hoảng loạn đạp nhầm chân ga.
Xem thêm: mth.21824634160403202-ex-ial-ihk-oc-nac-neuq-ioht-gnuhn-hnahp-nahc-ar-ag-nahc-ior/nv.ertiout