Chiều 7/4, tại phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng khu vực kinh tế tập thể hiện chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được đề ra trong Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 29.378 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 hợp tác xã, tương ứng 7% so với năm 2021; 125 liên hiệp hợp tác xã, tăng 18 liên hiệp hợp tác xã, tương ứng khoảng 17% so với năm 2021 và 71.000 tổ hợp tác.
Trong năm 2022, các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 hợp tác xã, chiếm 66,4% và gần 10.000 hợp tác xã phi nông nghiệp.
Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể là gần 8 triệu thành viên, với trên 5,9 triệu thành viên của hợp tác xã, 851 hợp tác thành viên của liên hiệp hợp tác xã và trên 1 triệu thành viên THT. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976.300 người.
So với năm 2021, doanh thu bình quân hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng, tăng 35%; lãi bình quân của 1 hợp tác xã là 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, tăng khoảng 71%; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người, tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%.
Quý I/2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 29.909 hợp tác xã. Các tỉnh, thành phố có số hợp tác xã thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội với 31 hợp tác xã, Bắc Giang với 26 hợp tác xã và Thái Nguyên với 25 hợp tác xã.
Nhìn chung, các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tiếp tục được duy trì góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận thấy khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bộ trưởng cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, năng lực nội tại của hợp tác còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế.
Trong bối cảnh mới, phong trào hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường.
Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng.
Trước những hạn chế này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất.
Ông nêu một số mô hình đã, đang và sẽ cho hiệu quả như: trái cây tại Sơn La, cà phê Tây Nguyên, rừng gỗ lớn tại khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, hay lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Số lượng có thể không phản ánh đúng sự phát triển của hợp tác xã. Ngành nông nghiệp đang xây dựng những hợp tác xã mới theo hướng đa dịch vụ, liên kết theo chuỗi và nâng cao chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm".
Thứ trưởng nhìn nhận, trong nền kinh tế thị trường, hợp tác xã chịu nhiều sự cạnh tranh từ khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành, những tiêu chí như doanh thu, quy mô, lợi nhuận không hoàn toàn phù hợp với hợp tác xã nông nghiệp.
Nhằm nâng cao tính chủ động cho hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng và cấp "chứng chỉ nghề" cho Giám đốc hợp tác xã. Điều này sẽ giúp những người trực tiếp sản xuất có thêm tự tin và tư duy về kinh tế nông nghiệp.