Những ngày gần đây, cứ khi nào Chanette Thompson bị vấp hay va khuỷu tay vào đâu đó, cô thường hét lên “Aish” - một từ biểu cảm bằng tiếng Hàn. Chanette là một nghệ sĩ trang điểm sống ở Los Angeles, chưa từng đến Hàn Quốc và còn không biết tiếng Hàn. Việc cô sử dụng thứ tiếng này là vì xem quá nhiều phim Hàn Quốc.
Chanette bắt đầu xem phim Hàn từ khoảng hơn 10 năm trước, khi cô lướt qua những kênh phát sóng miễn phí ở LA. Không lâu sau, cô mê mệt bộ phim Pink Lipstick (Son môi hồng), một bộ phim thuộc thể loại tình cảm hài của Hàn Quốc, với nhân vật chính điển trai và câu chuyện tình đầy lãng mạn. Từ đó, Chanette trở thành “fan cứng” của phim Hàn.
Hiện tại, hàng dài nội dung được gợi ý trên tài khoản Netflix của cô đều là phim Hàn Quốc. Nhưng Chanette còn đăng ký một ứng dụng khác là Viki, để xem nhiều phim Hàn hơn. Cô cũng thường đến các nhà hàng Hàn Quốc để thử những món ăn từng thấy trên màn ảnh và lên kế hoạch đến Hàn Quốc chơi vào năm 2025.
Sức ảnh hưởng quá lớn đến từ ngành phim ảnh
Chanette chỉ là một trong nhiều “con nghiện” phim Hàn khác. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đã trở thành một trong những nội dung phổ biến nhất thế giới. Thành công của Squid Game (Trò chơi con mực) trên Netflix, trước đó là phim Parasite (Ký sinh trùng), đã giúp biến Seoul thành một trong những trung tâm giải trí của thế giới.
Theo hãng nghiên cứu Partners Asia, Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất các chương trình ăn khách nhất châu Á và cũng có những nội dung nhiều người xem nhất trên Netflix bên ngoài nước Mỹ. Công ty cho biết hơn 60% khách hàng của họ đã xem một chương trình Hàn Quốc vào năm ngoái.
Trong 2 tuần liên tiếp của tháng 3, The Glory (Vinh quang trong thù hận) là bộ phim được xem nhiều nhất trên nền tảng Netflix, có lượng xem bằng 2 show tiếng Anh lớn nhất cộng lại. Đây là 1 trong 10 phim nổi tiếng nhất của Netflix ở hơn 90 quốc gia.
Netflix đã đầu tư 500 triệu USD để phát triển nội dung ở Hàn Quốc vào năm 2021. Sau thành công của Squid Game và loạt phim khác, họ tăng sản lượng thêm ít nhất 34 nội dung gốc trong năm nay. Theo Media Partners Asia, Netflix hiện chi gần 1 tỷ USD mỗi năm cho phim Hàn Quốc.
Sau Netflix, một số công ty truyền thông lớn nhất thế giới cũng đang cạnh tranh để thu hút những người xem như Chanette. Disney+ và Apple TV+ là các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu đang xem xét các thoả thuận để đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia này. Amazon dù không sản xuất nội dung ở Hàn Quốc nhưng cũng đang mua lại các chương trình vì quá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Trên thực tế, sự thành công của các chương trình truyền hình Hàn Quốc không đến trong “ngày một ngày hai”.
Vào những năm 1950, Lee Byung-chul, nhà sáng lập tập đoàn Samsung, đã thành lập CJ CheilJedang - đế chế thực phẩm và sức khoẻ, và không có kế hoạch sản xuất nội dung truyền hình. Song, ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc bắt đầu khuyến khích những công ty lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực giải trí để gia tăng quyền lực mềm.
Đến những năm 1990, 2 người cháu của ông Byung-chul là Jay-hyun và Miky Lee, đã đưa CJ thành tập đoàn giải trí hùng mạnh. Họ đã thành lập và mua lại nhiều mạng truyền hình, doanh nghiệp tổ chức sự kiện trực tiếp và hãng thu âm trong nước. Năm 1994, CJ đầu tư 300 triệu USD vào xưởng phim Dreamwork. 4 năm sau, họ mở cụm rạp chiếu phim đầu tiên của Hàn Quốc và sau đó mở rộng ra khắp châu Á.
Gia tộc Lee ban đầu tập trung vào việc sản xuất phim lẻ hơn là truyền thình. Trong nhiều năm, ngành truyền hình Hàn Quốc chủ yếu là sự xuất hiện của các bộ phim được một số đài địa phương sản xuất, bao gồm những nội dung “lối mòn”, như những câu chuyện tình ngang trái, phức tạp. Trong khi đó, những bộ phim có nội dung trau chuốt hơn thường chỉ là phim lẻ chiếu rạp.
Năm 2010, gia tộc Lee đã thành lập một bộ phận mới để sản xuất phim truyền hình và đạt được nhiều thoả thuận với các bên kịch, đạo diễn giỏi nhất Hàn Quốc. Năm 2016, gia tộc Lee tách Studio Dragon khỏi CJ Ent. Cùng năm đó, Studio Dragon sản xuất bộ phim đình đám Goblin (Yêu tinh), là phim truyền hình cáp đầu tiên đạt tỷ suất người xem 20% tại Hàn Quốc chỉ với 1 tập.
Netflix nhanh chóng nắm bắt "mỏ vàng"
Vài năm trước, khi Netflix lần đầu tiên mở rộng sang thị trường châu Á, công ty này gần như chỉ tập trung vào Nhật Bản nhờ sức hấp dẫn của anime. Tuy nhiên, khi xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với khu vực, các giám đốc điều hành của Netflix nhận ra rằng Hàn Quốc mới là “chìa khoá” để hút người dùng đăng ký ở châu Á.
Các kênh truyền hình từ Nhật Bản, đến Đài Loan, Hong Kong đều đã mua bản quyền của các bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng và nhanh chóng phát trên sóng truyền hình cáp. Cho đến nay, chưa khu vực nào bên ngoài châu Á mua nhiều bản quyền phát trực tiếp như vậy.
Năm 2019, Netflix đã ký một thoả thuận, cấp quyền phát trực tuyến cho nhiều chương trình của Studio Dragon và nắm giữ một cổ phần nhỏ trong công ty. Theo đó, loạt phim như Hometown Cha-Cha-Cha (Điệu Cha-Cha-Cha Làng biển) sẽ ra mắt trên truyền hình Hàn Quốc và vài giờ sau “có mặt” trên Netflix. Trong những năm sau, hàng triệu người dùng Hàn Quốc đã đăng ký Netflix, giúp châu Á thành thị trường phát triển nhanh nhất của nền tảng này.
Để giới thiệu những bộ phim này đến các khu vực khác như Mỹ Latinh, châu Âu và Mỹ, Netflix đã tải thêm phụ đề và lồng tiếng.
Đại dịch đã giúp khán giả nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với các nội dung của Hàn Quốc. Mùa thu năm 2021, các bộ phim như Squid Game, All of Us Are Dead (Ngôi trường xác sống) và Extraordinary Attorney Woo (Nữ luật sư kỳ lạ) thường xuyên xuất hiện trong top trending của Netflix. Trên phạm vi toàn cầu, người dùng cũng dành nhiều thời gian cho các show Hàn Quốc, nhiều hơn cả các nội dung của Mỹ.
Giờ đây, ngành giải trí Hàn Quốc kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này. Các hãng phim đã tăng sản lượng phim truyền hình dài tập lên hơn 50% trong 3 năm qua, phát hành hơn 125 chương trình vào năm 2022. Họ muốn nỗ lực chứng minh rằng Hàn Quốc sẽ tránh được “số phận” như điện ảnh Hong Kong hay nhạc pop Nhật Bản.
CJ Ent vẫn còn chặng đường dài để đuổi kịp các “gã khổng lồ” phương Tây cùng ngành. Giá trị của họ đạt khoảng 4 tỷ USD, thấp hơn so với Lions Gate Entertainment - nhà sản xuất John Wick. Tuy nhiên, thành công của Studio Dragon đang là động lực để họ cạnh tranh trực tiếp với các công ty phương Tây trên quy mô toàn cầu. Công ty đã thành lập 2 bộ phận sản xuất mới là CJ ENM Studios và Fifth Season để tăng sản lượng. Gần đây, họ cũng thành lập chi nhánh Studio Dragon ở Nhật Bản và mở rộng sang Thái Lan.
Tham khảo Bloomberg