Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước có buổi gặp gỡ báo chí thông tin về những điểm mới trong dự thảo Luật lưu trữ (sửa đổi) sắp được trình lên Chính phủ trong tháng 4 này.
Dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tháng 10 và thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5-2024; thời gian luật có hiệu lực từ 1-1-2025.
Người dân sẽ được tiếp cận tài liệu nhà nước vụ Thủ Thiêm sớm hơn 5 năm
Ông Tùng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online một số điểm mới căn bản của dự thảo luật này.
Đó là quy định về thời hạn cơ quan nhà nước phải nộp tài liệu hành chính vào lưu trữ nhà nước là 5 năm chứ không phải 10 năm như trong luật hiện tại.
Theo đó, tài liệu của cơ quan nhà nước sau khi xử lý xong thì phải có trách nhiệm gửi vào lưu trữ nhà nước. Muộn nhất là trong vòng 5 năm phải nộp. Quy định hiện hành là 10 năm.
Ông Tùng lấy ví dụ, vụ Thủ Thiêm, nếu chiếu theo dự thảo mới thì tối đa sau 5 năm những văn bản từ cơ quan nhà nước phải gửi vào lưu trữ. Lúc đó, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận các tài liệu này từ cơ quan lưu trữ, không phải đợi 10 năm như trước đây.
Một vài năm tới khi dự án lưu trữ tài liệu điện tử được thực hiện, cơ hội tiếp cận các tài liệu này sẽ càng dễ dàng. Hiện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã số hóa được 20 triệu trang, tiến tới làm 70 - 80 triệu trang.
Vingroup đầu tư dự án lớn cũng phải lưu trữ tài liệu
Ngoài ra, dự thảo Luật lưu trữ sửa đổi còn có thêm một chương về lưu trữ tư nhân.
Theo đó sẽ có những chính sách để Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư nhân và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ.
Luật cũng khuyến khích người dân hiến cho Nhà nước những tư liệu có giá trị quốc gia để tư liệu được bảo quản tốt hơn và có cơ hội đi ra với công chúng.
Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định mới buộc những chủ đầu tư tư nhân của những dự án lớn có ảnh hưởng tới nhiều người như Vingroup đầu tư làm đường vành đai 2 (tại Hà Nội) phải có trách nhiệm lưu trữ tài liệu.
Dự thảo luật sửa đổi này cũng hướng tới để tài liệu lưu trữ phục vụ cho đời sống chứ không phải chỉ giữ trong kho.
Ông Tùng cho biết luật trước quan tâm đến công tác bảo quản tài liệu, với những quy định về bảo quản tư liệu rất chi tiết, nhằm giữ tài liệu sao cho tốt nhất có thể.
Nhưng tới giai đoạn mới hiện nay của lưu trữ thì phải khuyến khích đưa tài liệu ra ngoài, phục vụ cho xã hội.
Mang bằng chứng chủ quyền biển đảo qua tài liệu lưu trữ đến bộ đội hải quân
Cũng liên quan tới khai thác giá trị tư liệu vào đời sống, ông Tùng cho biết dự kiến tháng 8 Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ phối hợp với Tổng cục Chính trị đưa những bằng chứng về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ tài liệu lưu trữ nhà nước đến với bộ đội hải quân Vùng 4. Sau đó sẽ là Vùng 3…
Những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo Tổ quốc sẽ được tận mắt chứng kiến những văn bản, tài liệu lưu trữ cho thấy từ thế kỷ 17-18 vua, quan đã có nhiều chỉ đạo các hoạt động thể hiện chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa…
Chủ quyền biển đảo sẽ được chiến sĩ tận mắt kiểm chứng chứ không chỉ qua tuyên truyền sẽ khiến các chiến sĩ củng cố thêm niềm tin về tính chính nghĩa của mình khi làm nhiệm vụ.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng quy định cứng "cọc" trước 20% mới được đấu giá đất khiến các doanh nghiệp phải xem xét kỹ khi tham gia và không dám bỏ cọc, hủy thầu.