Từ cuối năm 2022, người dân ngụ hẻm 694 Nguyễn Kiệm (P.4, Q.Phú Nhuận) bắt đầu tháo dỡ cổng sắt, tường rào, bậc thềm nhà để nhường đất cho quận mở rộng hẻm. Tuyến hẻm này dài 140 m, rộng chừng 2 - 2,5 m nên đi lại khó khăn. Được địa phương vận động, 51 hộ dân trong hẻm đồng ý hiến đất để mở rộng hẻm lên 4,5 m. Dù có mặt bằng, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể thi công vì còn chờ thủ tục phê duyệt dự án.
Thủ tục dồn về cấp thành phố
Bất cập này được ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, nêu ra với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM ngày 31.3 về tình hình thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn. Ngoài hẻm trên, Q.Phú Nhuận còn dự án: mở rộng đường Trương Quốc Dung, nâng cấp hẻm 247 Hoàng Hoa Thám và hẻm 120/29 Thích Quảng Đức cũng vướng thủ tục đầu tư.
Ở khu vực ngoại thành, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho hay trước đây, quận được thẩm quyền phê duyệt dự án nhóm C và dự án nhóm B (dự án trường học), nhưng nay chuyển về các sở nên không còn sự chủ động để đẩy nhanh tiến độ.
Tránh tình trạng mở hẻm "đầu chuột, đuôi voi"
Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng KH-ĐT Sở GTVT TP.HCM, lo ngại trước tình trạng các quận đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng lại chưa giải phóng mặt bằng, chưa thỏa thuận với dân về việc hiến đất.
Hiện nhiều tuyến hẻm cho các quận mở rộng trước đây đang trong tình cảnh "đầu chuột, đuôi voi", nghĩa là bên trong thì rộng rãi, còn đầu hẻm thì chật chội vì nhà đầu hẻm không hiến đất. Thực tế tại Q.Bình Tân có dự án đã làm xong, nhưng các hộ ở đầu 2 hẻm không hiến đất, mục tiêu mở rộng hẻm không đạt khi xe cứu thương không thể vào trong. Do vậy, địa phương này phải làm dự án bồi thường 1 căn nhà để mở rộng hẻm đoạn hẻm dài 22 m.
Ông Trung cho rằng các quận nên rà soát lại, đối với dự án mở rộng hẻm mà liên quan đến hiến đất thì phải có văn bản đồng thuận của người dân.
Kể từ khi TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị (tháng 7.2021), 16 quận không còn là cấp ngân sách, dẫn đến các thủ tục đầu tư dồn về UBND TP và sở chuyên ngành. Nếu trước đây, dự án mở rộng hẻm chừng vài trăm triệu đến vài tỉ đồng đều do phòng quản lý đô thị thuộc quận thẩm định, báo cáo UBND quận trình HĐND quận phê duyệt chủ trương đầu tư, rồi triển khai. Còn hiện nay, 16 quận không còn HĐND nên thủ tục rườm rà hơn. Cụ thể, các quận phải làm đề xuất, Sở GTVT thẩm định trình UBND TP báo cáo HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư danh mục dự án. Quy trình trên vừa kéo dài vừa dồn việc về TP vốn đã nhiều công việc.
Lãnh đạo nhiều địa phương tại TP.HCM nhận định khi chỉ còn một đầu mối thẩm duyệt dự án là Sở GTVT thì tình trạng hồ sơ bị tắc chắc chắn sẽ xảy ra do số lượng dự án các quận đưa lên rất lớn. Đơn cử như Phòng KH-ĐT thuộc Sở GTVT TP có chưa tới 20 người, ngoài hàng trăm dự án lớn cấp TP thì phải thẩm định hàng trăm dự án mở rộng, nâng cấp hẻm có giá trị nhỏ dẫn đến quá tải. Tương tự, các sở GD-ĐT, VH-TT, KH-ĐT cũng phải thẩm định các dự án theo chuyên ngành.
Từ thực tế trên, tại Q.Phú Nhuận, không chỉ có mở rộng hẻm, hàng loạt dự án giao thông, y tế, giáo dục trên địa bàn cũng bị kéo dài do điều chỉnh thủ tục đầu tư.
Ủy quyền để gỡ vướng
Đại diện Sở KH-ĐT thừa nhận 3 dự án mở rộng hẻm 694 Nguyễn Kiệm, hẻm 247 Hoàng Hoa Thám, 120/29 Thích Quảng Đức trên địa bàn Q.Phú Nhuận được HĐND TP.HCM giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhưng đến nay Sở chưa trình UBND TP. Không riêng Phú Nhuận, Q.3 cũng cần thông qua danh mục sửa chữa, nâng cấp 20 tuyến hẻm. Vị đại diện Sở KH-ĐT phân trần dự án 1 - 2 tỉ đồng thì các bước thủ tục như dự án 25 tỉ đồng, nếu làm từng dự án thì sẽ kéo dài thời gian và không đủ nhân sự thực hiện.
Đề xuất bố trí vốn chi đầu tư phát triển cho 16 quận
Ông Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, đề xuất TP.HCM nghiên cứu bố trí nguồn vốn chi đầu tư phát triển hằng năm cho 16 quận. Bởi thực tiễn cho thấy nhiệm vụ quản lý địa phương của cấp quận không thay đổi so với trước đây và còn có chiều hướng được tiếp tục mở rộng thêm thông qua phân cấp, ủy quyền. Việc quận không có nguồn tiếp tục duy trì và chủ động chi đầu tư phát triển, không chỉ tác động ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội theo lợi thế của mỗi quận trong thời gian tới, mà còn tác động ảnh hưởng đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội của các quận đã tích lũy trong nhiều năm qua.
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT, nhìn nhận khi tất cả dự án mở rộng, nâng cấp hẻm hoặc cải tạo vỉa hè đều giao về Sở GTVT thẩm duyệt chủ trương đầu tư thì số lượng hồ sơ sẽ rất lớn. Do đó, Sở GTVT đề xuất ủy quyền về các quận thực hiện như cũ. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị TP.HCM phân cấp, ủy quyền về cho quận phê duyệt các dự án nhóm C và dự án nhóm B trường học để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và giải ngân.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, UBND TP.HCM đề xuất được chuyển chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn qua lại giữa các sở, ngành hoặc từ các sở xuống phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện. Nếu điều khoản này được thông qua, các sở chuyên ngành sẽ giảm bớt áp lực thẩm duyệt dự án. Ngoài ra, UBND TP cũng giao Sở KH-ĐT tham mưu điều chỉnh Quyết định 19/2021 (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công) theo hướng HĐND TP.HCM ủy quyền cho UBND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng ngân sách địa phương.
Nhằm giảm bớt thủ tục đầu tư, vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao các sở, ngành, địa phương cơ cấu những dự án có tính chất tương tự, tổng mức đầu tư thấp như cải tạo sửa chữa vỉa hè, nâng cấp, mở rộng hẻm tại một địa phương vào 1 dự án để giảm số đầu mục dự án, giảm thủ tục đầu tư xây dựng. Phó giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cho hay đã mời Sở KH-ĐT và các quận lên làm việc để hướng dẫn cách gom dự án có tính tương đồng nhau.