Phân tích của Citibank cho biết thị trường tài chính châu Á bị thắt chặt ít hơn so với Mỹ. Hầu hết đồng tiền của châu Á đều tăng giá so với USD. Kể từ ngày 10/3, khi Silicon Valley Bank sụp đổ, chỉ số cổ phiếu nhóm tài chính Mỹ giảm gần 10% trong khi chỉ số này của châu Á - trừ Nhật Bản - tăng đến nay.
Johanna Chua, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận phân tích thị trường và kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Citibank đánh giá châu Á vẫn được cách ly tương đối tốt với cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây của phương Tây. "Sự suy giảm tập trung vào Mỹ, nghĩa là USD yếu đi. Điều này hỗ trợ nhiều hơn cho dòng vốn ở châu Á", vị chuyên gia nói.
Các nhà kinh tế cho rằng một yếu tố có lợi cho châu Á - Thái Bình Dương là chính sách tiền tệ nhìn chung mềm dẻo hơn. Các ngân hàng trung ương ở Australia, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ đã dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Trong khi, Trung Quốc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ và mở cửa trở lại sau Covid, đang là điểm thu hút hàng đầu với các nhà đầu tư.
5,5 tỷ USD tiền đã chảy vào các quỹ đầu tư của thị trường mới nổi trong bốn tuần tính đến cuối tháng 3, dẫn đầu là châu Á, theo số liệu từ TD Securities. Hơn 70% số tiền đó đi đến Trung Quốc. Trong khi, thị trường phát triển chứng kiến dòng tiền chảy ra ròng 8,6 tỷ USD, với Mỹ bị ảnh hưởng lớn nhất.
David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương tại Invesco Asset Management cho biết các nhà đầu tư vẫn đang xem các thị trường mới nổi tại châu Á là khu vực hấp dẫn nhất, tiếp đến là châu Âu, rồi đến Mỹ. "Nếu Fed dừng tăng lãi suất thì chắc chắn càng thúc đẩy dòng vốn quay trở lại các thị trường mới nổi ở châu Á", ông nói.
Trường hợp Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh rủi ro ổn định tài chính và kinh tế hạ nhiệt, châu Á hưởng lợi USD yếu đi, làm giảm sức hấp dẫn của đồng bạc xanh như một nơi trú ẩn an toàn.
Tuần này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn và lạm phát chậm hơn trong năm nay và năm tới. Ngược lại, các nền kinh tế tiên tiến đang góp phần tạo nên một triển vọng toàn cầu ảm đạm hơn.
Frederic Neumann, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC nhận định sự phục hồi của Trung Quốc dự kiến sẽ lan tỏa khắp khu vực. Lợi ích bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bùng nổ hàng hóa và không tăng nợ quá mức.
Johanna Chua của Citibank cho rằng Hong Kong và Thái Lan được hưởng lợi lớn từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Các nền kinh tế dẫn đầu về dịch vụ trong nước như Ấn Độ và Philippines "có vẻ tương đối kiên cường hơn" trước cú sốc tăng trưởng toàn cầu. Trong khi, các nền kinh tế nhỏ và có độ mở cao như Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan có thể sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những tác động giảm nhu cầu.
Ngoài ra, sự hỗn loạn cuả các ngân hàng phương Tây gần đây cũng tạo cơ hội dòng tiền đầu tư cho công nghệ quay về châu Á sau khi bị hút về Mỹ thời gian qua. Prashant Newnaha, chiến lược gia vĩ mô tại TD Securities, dự đoán Singapore sẽ là nước hưởng lợi chính. "Singapore có khuôn khổ pháp lý, ngành ngân hàng mạnh mẽ và đang tìm cách khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu về công nghệ và tiền kỹ thuật số trong khu vực", ông nói.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro. Dữ liệu sản xuất ảm đạm gần đây tại Trung Quốc làm giảm niềm tin về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mối quan hệ ngày càng xấu đi của nước này với Mỹ làm tăng rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào những nơi như Hong Kong và Đài Loan, theo ông David Chao tại Invesco.
Hơn nữa, châu Á không hoàn toàn miễn nhiễm với bất ổn tài chính lan rộng từ Mỹ. Jonathan Kearns, Kinh tế trưởng công ty quản lý đầu tư Challenger (Australia), đánh giá triển vọng vẫn phụ thuộc vào châu Âu và Bắc Mỹ ổn định ra sao. "Nếu tiếp tục có thêm hỗn loạn ở mức độ nào đó thì nó sẽ lan sang châu Á", ông nói.
Phiên An (theo Bloomberg)