Kiếm triệu đô từ vải tái chế
Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 diễn ra gần đây tại TP.HCM, nhiều khách tham quan tỏ ra bất ngờ với bộ sưu tập áo từ vải tái chế như bột cà phê, vỏ sò, bột đá... tại gian hàng Công ty CP kết nối thời trang Faslink. Sờ những chiếc áo polo có màu sắc nhã nhặn, sang trọng cùng chất vải mềm mịn, thoáng mát, khó ai có thể nghĩ đây là những chiếc áo có nguồn gốc "phế thải".
Theo đại diện Faslink, sau khi vỏ hàu, bột đá, bột cà phê… được thu gom sẽ được nghiền nhỏ thành hạt có kích thước micro, nano, sau đó được xử lý bằng cách trộn với polymer đệm và dệt thành sợi xơ dài rồi dệt thành vải.
Những sợi "vải xanh" không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có tính ứng dụng cao, nhiều tính năng nổi trội so với các loại vải phổ biến trên thị trường như khử mùi, chống bám bẩn hiệu quả, khả năng chống nắng tốt, mỏng nhẹ nhanh khô…
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân - CEO Faslink, mỗi năm công ty sản xuất trung bình 5 triệu mét vải/năm, tuy giá thành sản phẩm cao hơn so với các loại vải trên thị trường nhưng sản phẩm xanh của công ty vẫn được các doanh nghiệp yêu thích, đón nhận. Trở thành nhà cung cấp vải của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước lẫn thế giới như Việt Tiến, Winny, Owen, Yody…
Năm 2022, khi toàn ngành dệt may Việt Nam chao đảo, sụt giảm đơn hàng nghiêm trọng, thậm chí có nơi tăng trưởng âm thì Faslink vẫn cán đích thành công khi ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 20%.
Biến rác thải thành tài nguyên
Đổi đời cho rác cũng là châm ngôn thương hiệu Ecosoi theo đuổi. Năm 2022, thương hiệu này trở thành cái tên đình đám khi gọi vốn thành công tại chương trình Shark Tank với sản phẩm sợi từ lá dứa.
Theo bà Vũ Thị Liễu - nhà sáng lập, giám đốc điều hành Ecosoi, tại Việt Nam có hơn 100.000ha diện tích trồng dứa, tương đương với hàng triệu tấn lá dứa bị bỏ đi mỗi năm. Thông thường, lá được nông dân xử lý bằng cách đốt, gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, tại châu Âu, sợi dứa là một trong những loại sợi cao cấp được nhiều nhãn hàng yêu thích nhờ đặc tính bền, đẹp và thấm hút mồ hôi tốt. Tuy giá thành sợi dứa cao hơn so với các loại sợi thực vật khác như sợi bông, gai, đay... nhưng lại nổi trội nhờ đặc tính bền và dai.
Bà Liễu ước tính với mỗi quả dứa được thu hoạch, người nông dân sẽ phải bỏ đi từ 2 - 3kg lá dứa. Để có được 1kg sợi khô cần 55 - 60kg lá dứa tươi, như vậy với khoảng 20 - 22 quả dứa sau thu hoạch người nông dân có thể kiếm thêm 120.000 - 170.000 đồng nhờ bán sợi dứa.
Hành trình kinh doanh sợi dứa của Ecosoi đạt bước ngoặt lớn khi công ty nghiên cứu thành công máy tách sợi. Điều đáng nói máy của Ecosoi so với đối thủ Philippines (một trong những nước sản xuất sợi dứa lâu năm) cho năng suất còn vượt trội hơn.
Sau khi sản xuất thành công máy tách sợi dứa, Ecosoi tiếp tục đẩy nhanh tốc độ bằng cách chuyển giao công nghệ và đặt hàng các HTX, đơn vị có sẵn vùng nguyên liệu, nguồn lao động là người dân địa phương… để các tổ chức chủ động sản xuất và bán lại sợi thô cho Ecosoi.
"Một chiếc máy tách sợi giá từ 45 - 50 triệu đồng, một ngày máy có thể xử lý 250 - 300kg lá tươi và cho ra trung bình khoảng 4 - 5kg sợi khô thành phẩm cuối cùng. Một hộ dân trồng dứa thông thường rơi vào 3 - 5ha dứa, cho ra 1,5 - 2,5 tấn sợi. Như vậy thay vì đốt lá gây ô nhiễm môi trường, người nông dân có thể kiếm thêm tới 200 - 350 triệu đồng tiền sợi dứa mỗi năm" - bà Liễu nói.
Bà Liễu cho biết kỳ vọng doanh thu của Ecosoi sẽ gấp 5 lần vào năm 2023 và 10 lần vào năm 2024. "Chúng tôi có nguồn nguyên liệu cùng lực lượng sản xuất dồi dào, vấn đề chỉ nằm ở khâu tìm đầu ra. Một tín hiệu đáng mừng là chỉ trong 3 tháng đầu năm, đã có gần 20 đơn vị trong và ngoài nước quan tâm, liên hệ tìm hiểu sản phẩm vải dứa do Ecosoi sản xuất. Chỉ tuần vừa rồi, chúng tôi đã nhận được thêm 2 đơn hàng từ một nhãn hàng Việt Nam", bà Liễu cho biết.
Hiện tại ngoài vải sợi, Ecosoi đang tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm khác liên quan đến sợi dứa và sẽ đưa ra thị trường trong tương lai gần.
Vải vỏ tôm lên sàn diễn thời trang New York
Những năm gần đây, nhiều start-up với những ý tưởng về nguyên liệu mới ngành dệt may cũng gây tiếng vang dù mới chỉ ở khâu thăm dò thị trường.
Điển hình có thể kể đến thương hiệu TômTex của nhà thiết kế Uyên Trần với ý tưởng làm vải từ phế liệu thủy hải sản. TômTex có trụ sở tại New York (Mỹ) do Uyên Trần cùng các cộng sự sáng lập năm 2020.
Sau khi ra mắt, chất liệu vải da làm từ vỏ tôm của Uyên Trần đã liên tục nhận hàng loạt giải thưởng danh giá. Thậm chí, những trang phục từ vải vỏ tôm của TômTex đã lên tới sàn diễn thời trang New York của Mỹ.
Trong chuyến về thăm Việt Nam kết hợp tìm hiểu các vùng nguyên liệu hồi tháng 10-2022, Uyên Trần tiết lộ cô và các cộng sự đang lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và mong muốn xây dựng nhà máy làm vải da từ vỏ tôm ở Việt Nam - quê hương cô với nguồn nguyên liệu thuy hải sản dồi dào, phong phú.
TTO - Sản phẩm sợi kháng khuẩn ChicSafe an toàn và thân thiện với môi trường được nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tạo ra bằng cách "tái sinh" từ sự kết hợp giữa dầu sầu đâu và hạt nano chitosan lên sợi dứa.
Xem thêm: mth.84764826180403202-aud-al-uah-ov-ehp-ac-ab-ut-mal-iav-ut-dsu-ueirt-meik/nv.ertiout