Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào ngày 8-4.
Sức ép thiếu giáo viên
Theo ông Phan Đoàn Thái (giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận), bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với học sinh lớp 10 vẫn còn không ít khó khăn.
Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên. Hiện nay các trường THPT công lập trong tỉnh đều chưa có giáo viên âm nhạc và giáo viên mỹ thuật.
Nội dung giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo chuyên ngành, phải dạy kiêm nhiệm môn học mới mà chưa được đào tạo bài bản.
Ông Thái cho hay: "Đây cũng là khó khăn chung của nhiều sở giáo dục khác khi lần đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10".
Bà Nguyễn Thị Hường, phó hiệu trưởng Trường THPT Thái Nguyên (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên), cho biết ngay từ cuối năm học 2021 - 2022, theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường THPT ở Thái Nguyên dù đã chuẩn bị song vẫn đứng trước sức ép thiếu giáo ở một số bộ môn trong tổ hợp mà học sinh lựa chọn.
Việc thay đổi về cấu trúc, nội dung và thời lượng các môn học trong chương trình mới dẫn tới hiện tượng có môn thừa giáo viên (lý, hóa, sinh, địa, giáo dục công dân), có môn thiếu (âm nhạc, mỹ thuật), có môn không biết lấy từ nguồn nào vì chưa có nơi đào tạo (hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp).
Cần linh động
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng để giải quyết những khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần đặt cụ thể vào bối cảnh, điều kiện của từng tỉnh thành và từng cơ sở giáo dục.
"Một kinh nghiệm của Trường trung học Thực hành là được sử dụng phòng thí nghiệm thực hành chung của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thực tế các trường có gắn kết theo từng cụm, tại sao các trường trong cụm không thỏa thuận sử dụng chung trang thiết bị dạy học?
Có nhiều dự báo giáo viên một số môn không đủ giờ, trong khi việc quản lý giáo viên là phòng giáo dục, tại sao các trường không "dùng chung" giáo viên?" - ông Sơn đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Minh Chí, phó trưởng phòng phụ trách Phòng giáo dục trung học - giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Bến Tre, đánh giá cao giải pháp "dùng chung" giáo viên để giải quyết tình trạng thừa - thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình mới.
"Ở Bến Tre đã thực hiện việc này đối với giáo viên THCS. Theo đó, giáo viên một số môn được phân công dạy liên trường để phát huy hết nguồn nhân lực hiện có" - ông Chí chia sẻ.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Bé Hiền - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - cho rằng chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mô hình lý tưởng, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đối với môn lựa chọn, trường cho học sinh tùy ý chọn bốn trong chín môn. Đối với lớp chuyên trong các môn lựa chọn lý, hóa, sinh, địa, tin thì môn chuyên là môn bắt buộc nên học sinh được chọn ba môn lựa chọn.
Trường lên phương án tổ chức dạy các loại hình: môn học bắt buộc, môn chuyên, môn lựa chọn, môn chuyên đề, các môn theo chương trình nhà trường và hoạt động bắt buộc trải nghiệm hướng nghiệp...
"Mỗi học sinh học hai buổi/ngày (tối đa bốn tiết/buổi). Mỗi học sinh được học nhiều lớp khác nhau. Mỗi học sinh có một thời khóa biểu khác nhau. Trường sắp xếp lại công năng sử dụng các phòng học để tăng cường phòng học.
Duy trì hệ thống lớp học trực tuyến để giáo viên và học sinh tương tác thường xuyên, sẵn sàng chuyển đổi hình thức học trực tiếp sang trực tuyến bất cứ khi nào cần thiết. Phương án triển khai theo hướng linh động của nhà trường đã chứng minh được điểm tối ưu của chương trình giáo dục phổ thông mới" - bà Hiền khẳng định.
Dạy học chưa tương thích kiểm tra, đánh giá
Khảo sát hơn 1.500 học sinh và 350 giáo viên lớp 10 của một số trường THPT thuộc khu vực trung tâm TP.HCM do bà Bùi Minh Tâm thực hiện cho thấy học sinh khối 10 gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức với 55,8% học sinh cho rằng việc hiểu bài còn nhiều hạn chế.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế với mục tiêu tăng cường tính tích cực, chủ động của người học.
Do đó, ngoài việc theo dõi bài giảng của thầy cô trên lớp, học sinh cần có năng lực tự học, tự nghiên cứu và chuẩn bị bài ở nhà - điều này tạo nên khó khăn khi học sinh khối 10 đã quen với cách học của chương trình cũ.
Bên cạnh đó, quá trình đổi mới dạy và học chưa được tương thích với kiểm tra đánh giá học sinh khối 10 với các bài đánh giá thường xuyên và định kỳ.
Ví dụ trong môn toán, hầu hết các chương, bài dạy có tới 60% bài tập đề nghị có nội dung thực tiễn, tuy nhiên tiếp cận những chủ đề này trong thời lượng ngắn gây khá nhiều khó khăn cho học sinh.
TTO - Tinh thần này nhận được sự đồng thuận của các đại biểu dự hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM ngày 13-12.
Xem thêm: mth.50210452280403202-iom-gnoht-ohp-cud-oaig-hnirt-gnouhc-ohc-ohk-og/nv.ertiout