Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", các bị can đã có nhiều hành vi như đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ... khi thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Từ đó, dẫn đến chi phí các chuyến bay, đặc biệt là giá vé máy bay bị độn lên nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp tới hành khách.
Vậy, những người mua vé trên các chuyến bay giải cứu có được coi là bị hại? Và được hoàn trả lại số tiền chênh lệch?
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, kết luận điều tra của Bộ Công an không xác định các công dân về nước trên chuyến bay giải cứu là bị hại, thậm chí, chưa xác định tư cách của họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, luật sư cho biết, kết luận điều tra còn không thể hiện số tiền người dân phải trả chênh lệch cho mỗi chuyến bay.
Theo ông Cường, nội dung kết luận điều tra cho rằng, những người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ bay, của các công ty tổ chức đưa công dân về nước. Sau khi hoàn thành các chuyến bay, thu lời từ những dịch vụ như vé máy bay, chi phí ăn nghỉ, lưu trú, cách ly y tế, các đối tượng mới trích một phần "doanh thu" để đưa hối lộ.
Vị luật sư nhận định, nếu hành khách cho rằng đã phải chi số tiền lớn hơn bình thường, thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền. Lúc này, mối quan hệ giữa hành khách và các đơn vị tổ chức chuyến bay là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.
Nêu quan điểm, ông Cường cho hay, giá vé máy bay, dịch vụ lưu trú thường biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể với các dịch vụ này. Vì vậy, sẽ rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các đơn vị đã thu tiền dịch vụ của hành khách.