Virgin Orbit là công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú người Anh Richard Branson. Nó từng được kỳ vọng sẽ là đối thủ “đáng gờm” đối với SpaceX của Elon Musk trong mảng phóng vệ tinh.
Tuy nhiên, những bất ổn trong tài chính, các lần phóng tên lửa thất bại và gặp khó trong hoạt động điều hành đã khiến Virgin Orbit đến “bước đường cùng”.
Vào 1 tháng trước, nhà đầu tư “kín tiếng” Matthew Brown đã xuất hiện như 1 “hiệp sĩ trắng” và đề nghị giải cứu công ty với 200 triệu USD. Theo Reuters, trong vòng 2 ngày kể từ khi có thông tin “rót tiền”, Giám đốc điều hành Virgin Orbit - ông Dan Hart, hội đồng quản trị công ty và Matthew Brown đã có 1 thỏa thuận sơ bộ thông qua một email được gửi vào 21/3.
Đúng ngày hôm đó, giám đốc Hart cũng gửi riêng một email cho 750 nhân sự - hầu hết những người này đã bị sa thải khi công ty tạm dừng hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 3. Trong email, ông nhấn mạnh rằng Virgin Orbit sẽ bắt đầu dần dần quay trở lại hoạt động.
Tất cả chỉ là chuyện cổ tích
Những tưởng Virgin Orbit sẽ được phục hồi và có khả năng vực dậy hoạt động kinh doanh nhờ “hiệp sĩ trắng” thì hóa ra tất cả chỉ là chuyện “cổ tích”. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, thỏa thuận tiềm năng với nhà đầu tư Matthew Brown đã thất bại.
Được biết, vào ngày 23/3, nhà đầu tư Brown đã nói với CNBC rằng anh đang trong "các cuộc thảo luận cuối cùng" để hoàn tất khoản đầu tư 200 triệu USD vào Virgin Orbit. 1 ngày sau, giá cổ phiếu của Virgin Orbit đã tăng hơn 60%.
Tuy nhiên, vào ngày 25/3, công ty vệ tinh đã phát hiện những điểm bất thường và mâu thuẫn trong lý lịch của nhà đầu tư “bí ẩn” Matthew Brown. Luật sư của Virgin Orbit cũng đã đưa ra 1 thông cáo pháp lý rằng Brown đã phóng đại nội dung của các cuộc đàm phán và vi phạm điều luật không tiết lộ thông tin.
Sau đó, công ty đã cắt đứt liên lạc và khẳng định sẽ có hành động pháp lý chống lại Brown nếu anh tiếp tục tiết lộ “chi tiết” về khoản “rót vốn” dự tính. Thông tin này được Reuters cập nhật từ bức thư hủy bỏ hợp tác của Virgin Orbit.
Giám đốc Hart cũng không trả lời bất kỳ bình luận nào liên quan tới việc hợp tác thất bại. Virgin Group, công ty sở hữu 75% Virgin Orbit cũng từ chối đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn với Reuters trong tuần này, Brown đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng anh bịa đặt lý lịch bản thân. Nhà đầu tư cho biết Virgin Orbit đã không cung cấp đầy đủ thông tin mà anh muốn để cảm thấy “an tâm” trước khi rót 200 triệu USD theo thỏa thuận. Nhưng anh khẳng định 100% rằng mình có tiền.
Brown không cho biết chi tiết về sự việc nên Reuters chưa xác minh được tính chính xác của thông tin đó từ phía anh.
Vén màn bí mật: Hiệp sĩ trắng “kỳ quặc”
Để làm rõ sự việc gây “biến động” thời gian gần đây trong làng hàng không vũ trụ, các phóng viên của Reuters đã tổ chức nghiên cứu và điều tra. Họ tìm thấy sự mâu thuẫn rõ ràng trong một số nội dung mà Brown đã nói trên CNBC hoặc viết trên LinkedIn; bao gồm các công ty mà anh đã từng làm việc, các khoản đầu tư hay cộng sự của anh.
Brown nói với Reuters rằng anh không có cổ phần nào trong Virgin Orbit hay không thu được lợi ích gì từ việc bỏ thầu công khai cũng như sau khi giá cổ phiếu công ty tăng vọt trong thời gian ngắn sau đó.
Tuy nhiên trong hồ sơ phá sản của công ty đã cho thấy Matthew Brown đang nắm giữ 238 cổ phiếu tại thời điểm nộp đơn. Chúng trị giá 48 USD/cổ phiếu vào ngày 6/4. Trả lời về vấn đề này, Brown cho biết “Matthew Brown” đó là một người hoàn toàn khác và không phải anh.
Ngoài ra, Reuters cũng không thể tìm thấy đơn đăng ký công ty cho hai đơn vị mà Brown viết trên LinkedIn rằng mình từng là cố vấn và đối tác - Hogshead Spouter có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Kona Private Capital có trụ sở tại Hawaii. Trả lời, Brown nói mình làm việc qua các đơn vị trung gian nước ngoài và không biết 2 công ty này được đăng ký ở đâu.
Trong 1 cuộc phỏng vấn với CNBC, Brown cũng cho biết mình từng làm việc với OpenAI. Nhưng người phát ngôn của OpenAI cho biết họ lại chưa bao giờ làm việc với nhà đầu tư này bao giờ. Lúc này, Brown “kỳ quặc” lại nói rằng mình đã “thiết lập các giao dịch” 1 cách hợp lý để bảo vệ tính bảo mật.
Ngoài ra, vào thời điểm tiếp cận Virgin Orbit, trang LinkedIn của Brown được tham chiếu bởi Dan McDermott - được cho là đồng nghiệp cũ tại Hogshead Spouter và là cựu quan chức của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên hồ sơ của cơ quan này cũng không có thông tin gì về McDermott. Khi được phía LinkedIn liên hệ, McDermott đã từ chối trả lời các câu hỏi về lý lịch của mình.
Ngoài ra Brown cho biết anh đã làm việc cho Woods Family Office, một công ty tài sản tư nhân quản lý 6 tỷ USD có trụ sở tại Houston từ năm 2008 đến năm 2021. Anh bắt đầu làm từ năm 18 tuổi với vai trò CEO, sau đó trở thành cố vấn cấp cao. Theo trang web công ty, một người đàn ông có tên là Eric Woods được cho là giám đốc của Woods Family Office đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Eric chỉ đề cập: “Tôi không có gì để nói và Woods Family Office cũng vậy. Mặc dù Matt là cố vấn nhưng chúng tôi không liên quan gì đến việc Matt đầu tư cho Virgin”.
Sau cuộc điều tra của Reuters và LinkedIn về tài khoản của Woods và Dan McDermott có phải là thật hay không, cả hai tài khoản đều đã bị gỡ xuống. LinkedIn từ chối thảo luận về các trường hợp cụ thể nhưng cho biết chính sách của họ là xóa các tài khoản được cho là gian lận.
“Nhà đầu tư” Brown cho biết anh không thể nói gì thay cho hai người đó hoặc giải quyết lý do tại sao tài khoản LinkedIn của họ lại bị xóa. Anh chỉ nói thêm rằng Woods là một người đàn ông tuyệt vời và rất thành công; còn Dan cũng là một người tài giỏi đáng kinh ngạc.
Ngoài ra, Brown cũng kể với Reuters rằng mình là 1 trong những nhà sản xuất của bộ phim tài liệu nổi tiếng năm 2009. Dylan Avery, Korey Rowe - những người “thực sự” làm nên bộ phim cũng ghi nhận đóng góp của Brown. Được biết, Brown đã cung cấp 1 chiếc máy ảnh.
Cả Rowe và Avery cũng nói rằng Brown đã từng hứa hẹn sẽ tài trợ chi phí phòng thu âm cho họ nhưng lại không thanh toán số tiền lên đến hàng nghìn USD đó. Nhưng Brown lại cho biết anh đã tài trợ một khoản "hợp lý" cho đoàn phim và việc dừng hợp tác giữa đôi bên chỉ là do sự khác biệt về tính cách.
Hiện tại, mọi thứ liên quan đến nhà đầu tư Matthew Brown vẫn còn là 1 ẩn số. Các thông tin mà tờ Reuters cũng như đại diện của LinkedIn cung cấp đều khác hoàn toàn những gì mà Brown “thanh minh”.
Sau tất cả, vào ngày 4/4 vừa qua, Virgin Orbit - công ty phóng vệ tinh từng có giá 3,8 tỷ USD đã nộp đơn xin phá sản vì không thể tìm được nguồn tiền lâu dài. Trong một thông cáo, phía công ty cho rằng thủ tục theo Chương 11 (Luật bảo hộ phá sản Mỹ) là con đường tốt nhất hiện nay. Theo đơn xin phá sản, Virgin Orbit niêm yết tài sản trị giá khoảng 243 triệu USD và tổng nợ là 153,5 triệu USD tính đến ngày 30/9/2022.
Đây được coi là 1 thất bại đáng kinh ngạc đối với 1 công ty từng được cho là đối thủ “đáng gờm” của SpaceX và Elon Musk.
Tham khảo Reuters