Như Thanh Niên thông tin, tại các quận nội đô Hà Nội, tình trạng đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện đến đó tiếp tục diễn ra. Những căn nhà có hình thù kỳ dị án ngữ ở mặt tiền các tuyến đường lớn khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.
Ði dọc các tuyến đường đã được mở rộng như: Phạm Văn Ðồng (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến công viên Hòa Bình, thuộc Q.Bắc Từ Liêm); Trường Chinh - Minh Khai (thuộc 2 quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng); Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân)… không khó để bắt gặp những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, đang tồn tại như một lời "thách thức" với chính quyền thành phố. Trong khi nhiều ngôi nhà mỏng, nhà méo chưa được xử lý dứt điểm thì trên các tuyến đường mới lại tiếp tục xuất hiện thêm những ngôi nhà, công trình có hình thù kỳ dị.
Ðáng nói, thực trạng này xuất hiện trong bối cảnh UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần tuyên chiến với nhà siêu mỏng, siêu méo, ra các "tối hậu thư" về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là không để phát sinh thêm những căn nhà như thế này; ban hành nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu đối với UBND cấp quận, huyện.
Làm xấu bộ mặt đô thị
Dù Hà Nội đã đặt ra nhiều hành lang pháp lý nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn không được xử lý triệt để khiến dư luận bức xúc. "Nhà cửa thì xây méo mó vừa xấu vừa không an toàn, phá vỡ quy hoạch. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Nội, TP.HCM mà khắp cả nước. Tốt nhất nhà nước thỏa thuận với các chủ hữu nhà siêu mỏng để đền bù rồi giải tỏa hết phần đất còn lại. Làm được như vậy thì quy hoạch sẽ tốt hơn", bạn đọc (BÐ) Ðức Mạnh ý kiến.
Còn BÐ Thiên An cho rằng một thành phố phát triển hiện đại thì không nên tồn tại những căn nhà siêu mỏng, siêu méo vì ngoài phá vỡ quy hoạch nó còn đưa tới nhiều hệ lụy xã hội. "Kiên quyết không để tồn tại những căn nhà siêu mỏng, siêu méo này, vừa không an toàn, vừa gây mất mỹ quan đô thị. Nhà nước cần linh hoạt hơn trong công tác giải tỏa đền bù. Với các diện tích không đủ điều kiện xây dựng sau khi giải tỏa thì thỏa thuận đền bù cho chủ sở hữu lấy phần đất dư đó phục vụ cho các tiện ích công cộng", BÐ này góp ý thêm.
"Coi chừng sau khi giải tỏa, chỉnh trang đô thị xong lại xuất hiện những "ổ chuột" kim cương, rồi sau đó nhà nước lại tốn khối tiền để đi giải quyết những hệ lụy của nó về sau. Tốt nhất thu hồi luôn những diện tích nhà không đủ điều kiện về diện tích xây dựng, sau đó bố trí tái định cư cho người dân", BÐ Ðức Mạnh cảnh báo.
Xóa nhà siêu mỏng để làm công trình công cộng?
Nhiều ý kiến cho rằng muốn phát triển đô thị đẹp, đồng bộ thì nhà nước cần có những quy chế, giải pháp cho những căn nhà siêu mỏng. "Chúng ta đã có luật về diện tích tối thiểu mới được cấp phép xây dựng, cứ thế mà tiến hành. Căn nhà nào vi phạm về diện tích xây dựng thì cứ mạnh dạn cưỡng chế đập bỏ. Cương quyết loại bỏ những căn nhà siêu nhỏ đang từng ngày phá nát quy hoạch đô thị, nhất là ở các tuyến đường mới mở rộng. Với những nhà sau giải tỏa mà diện tích không đủ để xây dựng thì nhà nước thương lượng đền bù và có thể sử dụng chúng vào các mục đích cộng đồng như xây nhà vệ sinh công cộng, vườn hoa, trồng cây xanh... Nhà nước cần có giải pháp tổng thể để xử lý triệt để tình trạng nhà siêu nhỏ", BÐ Ngọc Tính ý kiến.
Ngoài việc ủng hộ cơ quan chức năng quyết liệt xóa bỏ nhà siêu nhỏ, BÐ Minh Anh còn đề xuất thêm: "Nhà nước nên thu hồi vượt ranh giới mở rộng đường thêm khoảng 10 - 20 m, sau đó xây nhà đồng bộ theo quy hoạch và đưa ra bán đấu giá. Vừa tránh được nhà siêu mỏng, nhà cửa được quy hoạch đồng bộ đẹp mắt, còn có thêm nguồn thu cho ngân sách".
"Ngoài phá vỡ quy hoạch đô thị thì các khu nhà siêu mỏng này có nguy cơ trở thành những khu ổ chuột, nhếch nhác, chưa kể gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài giám sát chặt chẽ, không để nhà siêu mỏng tiếp tục mọc lên thì chính quyền địa phương phải quyết liệt xử lý những căn nhà "dị dạng" như thế này. Ðồng thời phải có giải pháp đồng bộ để vừa quản lý được quy hoạch vừa xóa được nhà siêu nhỏ...", BÐ Việt Hoàng góp ý.
* Đây không phải lỗi của người dân mà là lỗi của các nhà quy hoạch, của chính quyền làm không tới nơi tới chốn, làm theo kiểu manh mún.
Xuan Hoa
* Mở đường đi qua cụm nhà cửa, công trình vốn là giải pháp rất dở. Đường không kèm thiết kế đô thị lại còn dở hơn. Bao nhiêu năm vẫn cứ đi theo vết xe đổ như vậy.
B.Đ
* Tại sao không bồi thường hết những diện tích không đủ điều kiện xây dựng nhà ở, sau đó chính quyền chủ động cho hợp khối với các nhà lân cận, tạo sự đồng bộ trên toàn bộ mặt tiền của con đường.
Nguyễn Hiếu