Đòn bẩy đầu tư công
Năm 2023 được xem là năm khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất, điều này được thể hiện qua việc công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động xuất khẩu sụt giảm trong quý I, khiến tăng trưởng GDP trong quý chỉ đạt 3,32%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Theo dự báo, tình hình kinh tế trong các quý còn lại vẫn chưa hết khó khăn do nhu cầu thế giới sụt giảm. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã được Quốc hội quyết nghị, đầu tư công được xem như cứu cánh.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch giải ngân đầu tư công 707.000 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với kế hoạch năm 2022. Ngoài ra, theo kế hoạch của Bộ Tài chính, dự chi ngân sách nhà nước cho đầu tư và phát triển năm 2023 sẽ là 726.680 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch năm 2022. Đây là những con số rất lớn và nếu thực hiện đúng kế hoạch, sẽ là động lực giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế trước khó khăn chung của các ngành sản xuất.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã có chuyến công tác đặc biệt từ Bắc vào Nam để kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Bên cạnh đó, Chính phủ còn có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo đốc thúc các bộ, ngành, địa phương phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Nắm bắt thời cơ
Trong 25 gói thầu các dự án cao tốc đã chọn được nhà thầu, một số doanh nghiệp đang niêm yết đã trúng các gói thầu có giá trị cao như VCG, LCG, HHV, C4G. Trong đó, C4G là nhà thầu có giá trị trúng thầu lớn thứ 2 với hơn 11.000 tỷ đồng.
Đây là điều dễ hiểu, bởi C4G là nhà thầu xây lắp có bề dày kinh nghiệm, khẳng định được tên tuổi qua các dự án lớn. Hơn thế, thời gian qua, Công ty đã hợp tác với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để vừa tận dụng nguồn vốn, vừa học hỏi và nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ xây dựng mà ít nhà xây lắp nào có được.
Bên cạnh công nghệ, C4G cũng gia tăng quy mô về vốn chủ sở hữu, đồng thời lên kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE – với các tiêu chuẩn cao hơn về minh bạch thông tin và hiệu quả hoạt động - để thu hút thêm các nhà đầu tư, đối tác mới và nâng cao thương hiệu của Tập đoàn.
Theo đó, năm 2022, C4G đã tăng vốn gấp đôi, lên hơn 2.247 tỷ đồng, đồng thời, ngày 24/3 vừa qua đã chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn lên 3.370 tỷ đồng (cùng ngày chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023). Tại ĐHCĐ năm 2023, Hội đồng quản trị C4G cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành hơn 20,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 6%.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc C4G, vốn tăng lên sẽ giúp Tập đoàn đáp ứng đủ nguồn vốn để triển khai các dự án theo kế hoạch. Đây chính là nền tảng để Công ty tự tin đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 60% và 171% so với mức thực hiện năm 2022; cổ tức dự kiến 10%.
Để thực hiện kế hoạch, Tập đoàn sẽ tập trung công tác tìm kiếm việc làm các gói thầu xây lắp, dự án đầu tư, công tác đầu tư tài chính. Cụ thể, tiếp tục bám sát các dự án mục tiêu đang quan tâm, đặc biệt các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, các dự án cao tốc...; đàm phán mở rộng thị trường, liên danh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tham gia đấu thầu có trọng điểm các dự án có vốn nước ngoài (như JICA, WB, ADB...), vốn trái phiếu, ngân sách nhà nước được ưu tiên cấp vốn…
Với uy tín đã được khẳng định, lại được “chắp thêm đôi cánh” về kỹ thuật và vốn, C4G được kỳ vọng sẽ tận dụng được thời cơ từ đầu tư công để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.