Sự hình thức, tốn kém, áp lực của hội thi giáo viên dạy giỏi không phải là chuyện mới mà gần năm năm trước cũng từng được mổ xẻ. Đã có không ít ý kiến đề xuất "bỏ thi" chuyển sang "xét". Tuy nhiên, luồng ý kiến giữ thi giáo viên giỏi vẫn áp đảo, khiến Bộ GD-ĐT đã không thể đi tới quyết định có tính "cách mạng" cho việc này.
Bỏ thi vì không thực chất
Đầu năm 2019, Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến dự thảo sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi... Trong đó, nội dung sửa đổi cơ bản sẽ là chuyển từ thi sang xét.
Ông Hoàng Đức Minh, khi đó là cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã chia sẻ hướng đổi mới quy định là xét giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi dựa trên các tiêu chí cốt lõi về giáo dục quy định trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên và căn cứ vào sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng, căn cứ vào những sáng kiến đổi mới sáng tạo đã áp dụng và có hiệu quả trong quá trình dạy học thực tế tại các nhà trường.
Ưu điểm của hướng điều chỉnh này là có cơ sở để đánh giá thực chất năng lực, sự đóng góp của giáo viên. Việc đánh giá trong quá trình dạy học thực tế cũng sẽ có tác động tích cực thay đổi chất lượng giáo dục hơn là chỉ đánh giá, công nhận ở các hội thi. Đó cũng là nhân tố để lan tỏa, nhân rộng sự đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thời đó cũng cho rằng cho dù chuyển từ thi sang xét để công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi nhưng vẫn có thể duy trì hội thi với tính chất giao lưu, sinh hoạt chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ sự sáng tạo...
Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, giáo viên cũng cho rằng "nên bỏ kiểu thi mang tính hình thức". Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội), cho rằng những cuộc thi như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi nên bỏ, vì không thực chất, không tác động vào đời sống giáo dục. Khó có thể đánh giá chính xác giáo viên giỏi, tổng phụ trách giỏi chỉ qua một "màn trình diễn" vì đặc trưng của giáo dục là quá trình và kết quả thể hiện trên sự tiến bộ của học sinh.
Đề xuất của một số nhà quản lý có chung quan điểm cho rằng để công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi cần dựa vào hồ sơ giáo viên thể hiện lao động của họ trong một quá trình. Có thể tham chiếu các bài trả lời trắc nghiệm để biết quan điểm, tư duy về giáo dục, các giải pháp giáo viên đã, đang áp dụng...
Ngoài ra cũng có thể đột xuất dự một giờ dạy bất kỳ của giáo viên tại trường trong một khoảng thời gian quy định là 1-2 tuần.
Ý kiến "giữ hội thi giáo viên giỏi" áp đảo?
Luồng ý kiến trái chiều ở thời điểm năm 2019, theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, là rất đông, trội hơn nhiều ý kiến "bỏ thi". Quan điểm của những người muốn giữ hội thi cho rằng cần nhìn vào mặt tích cực của hội thi.
"Có hội thi, giáo viên và các nhà trường mới nỗ lực đầu tư cho bài giảng. Để chuẩn bị cho một giáo viên dự thi, cả tổ chuyên môn, ban giám hiệu phải hỗ trợ. Chính quá trình đó có tác động tích cực đến hoạt động chuyên môn của trường" - một giáo viên ở Hà Nội phân tích.
Nhiều giáo viên, nhà quản lý ở "phe giữ hội thi" cũng cho rằng tổ chức hội thi thì cần công nhận danh hiệu, cộng điểm, nâng lương... Khi đó giáo viên mới có động lực, còn chỉ tổ chức hội thi để "giao lưu" thì không ai muốn dự thi.
Tháng 12-2019, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Theo quy định tại thông tư này, hội thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi được duy trì. Điểm mới mang tính đột phá của dự thảo ban đầu đã bị lược bỏ.
Bế tắc?
Năm năm qua là một sự nối dài của nhiều bất cập của hội thi giáo viên dạy giỏi. Trong đó điều gây bức xúc nhất là tính "trình diễn" xuất phát từ áp lực thành tích, danh hiệu. Mục tiêu của hội thi ngày càng xa đời sống giáo dục.
Việc này sẽ vẫn khó giải quyết được tận gốc khi sự lưu luyến với những giá trị ảo vẫn chiến thắng và quan điểm tiến bộ, muốn có các giải pháp bứt phá vẫn là thiểu số.
Cô giảng bài về tế bào chết, lấy ví dụ móng tay. Tôi giơ tay xin hỏi: móng tay là các tế bào chết mà tại sao cứ dài ra, phải cắt? Báo hại, tôi bị các thầy cô giáo dự giờ nhìn như kẻ 'phá đám'...
Xem thêm: mth.22884713290403202-ioig-neiv-oaig-tex-gnas-neyuhc-iht-ob-gnohk-oas/nv.ertiout