Bệnh nhân đã khổ càng thêm khổ
Như Tuổi Trẻ phản ánh, một ngày cuối tháng 3-2023, anh Thạch T. chạy xe máy chở người nhà đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Làm xong thủ tục, quay ra để lấy xe máy, anh được nhân viên giữ xe báo giá 5.000 đồng. Anh T. cho rằng giá theo quy định chỉ 3.000 đồng/lượt.
Dù số tiền chênh lệch chỉ 2.000 đồng nhưng với những người lao động chân tay mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng mấy chục ngàn như anh T., phải ra vào bệnh viện liên tục thành số tiền khá lớn.
Một trường hợp khác của bà Nguyễn Thị Bé Tư (63 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh). Sau khi làm thủ tục nhập viện cho chồng, bà Tư chạy vội xuống căng tin của bệnh viện để mua một đôi dép và một tấm chiếu để ngủ lại bệnh viện chăm sóc chồng.
Nhân viên bán hàng tại căng tin báo giá tấm chiếu 25.000 đồng và đôi dép 60.000 đồng. Bà Tư cũng đành bấm bụng móc tiền mua, dù bà biết đôi dép nhựa bên ngoài có giá khoảng 35.000 đồng.
Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn Cường (Tiền Giang). Do người thân phải nằm viện lâu ngày không thể tắm gội nên đã mua một chai dầu gội đầu khô tại căng tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang (cơ sở cũ). Dù giá trên chai là 48.000 đồng, nhưng nhân viên bán hàng tại đây vẫn báo giá 72.000 đồng.
Cũng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nếu như tấm chiếu cùng loại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh bán 25.000 đồng thì tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An lại được bán với giá cao gần gấp đôi, 40.000 - 45.000 đồng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cũng có tình trạng tương tự.
Và những nơi vừa kể trên không phải là trường hợp điển hình về nạn "chặt chém" trong bệnh viện.
"Đa số bệnh viện nào cũng vậy. Đâu phải bệnh viện tuyến tỉnh, tình trạng này phổ biến ở các bệnh viện trên cả nước. Đề nghị công an vào cuộc vụ đấu thầu căng tin, bãi giữ xe. Cũng đề nghị điều tra thêm những ai trúng thầu căng tin, giữ xe trong bệnh viện" - bạn đọc Thanh viết.
Bổ sung, bạn đọc Nguyễn BT bức xúc: "Xưa giờ căng tin bệnh viện nào mà chả bán hàng giá cao gấp đôi gấp ba bên ngoài. Họ đánh vào tâm lý vào bệnh viện thì kiểu gì cũng phải mua mà xài dù giá cao".
Vì sao họ bu nhau "chặt chém" người khổ?
Như trên đã đề cập, đánh vào tâm lý đã vào bệnh viện thì kiểu gì cũng phải mua mà xài, cộng với việc đấu thầu giá cao, một số dịch vụ ở các bệnh viện hiện nay bu nhau "chặt chém" bệnh nhân.
Về ý này, bạn đọc Mai Anh viết: "Ở nơi tận cùng của đau khổ là bệnh viện, đúng ra người ta cần phải giúp đỡ nhau hơn, yêu thương nhau hơn, chia sẻ nhau hơn, đùm bọc nhau hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Xe ôm quanh bệnh viện kiếm người bệnh ra để chặt chém lừa gạt giá tiền cuốc xe, căng tin bệnh viện, nhà thuốc bệnh viện thì bán giá cao...".
Dẫn chứng trường hợp cụ thể, bạn đọc Trần Đăng Hiến bức xúc: "Sáng nay tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Đi xe máy đến bệnh viện lúc 5h sáng mà nhân viên giữ xe dưới tầng hầm kêu hết chỗ không nhận xe, tôi thấy rất vô lý vì phía trong còn trống rất nhiều và mới 5h sáng. Tui phải chạy ra ngoài gửi xe mất hết 15.000 đồng! Đã bị bịnh mà còn bị hành thật là mệt mỏi".
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chặt chém" người bệnh, người nhà bệnh nhân, bạn đọc nick name Wilson viết: "Việc đấu thầu ở bệnh viện hiện nay đang cho thấy lợi bất cập hại. Tư nhân muốn vào bán căng tin phải chào giá thuê cao nhất thì mới được chọn. Vậy họ làm gì để có lời? Họ "cắt cổ" bệnh nhân và người nhà".
Cũng theo bạn đọc này: "Đã đến lúc có một cơ chế mới cho việc đấu thầu này. Đấu thầu để ích nước lợi dân thì không nói, còn chỉ làm cho nhà nước có tiếng thơm còn con dân lãnh đủ thì thôi nên dẹp bỏ đi".
Tiếp theo, bạn đọc Tuấn Trần bổ sung: "Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng giữ xe, bán hàng rong ăn uống, hàng tạp hóa quanh các bệnh viện mà bấy lâu nay cơ quan chức năng không thể xử lý dứt điểm được".
Nói như than, bạn đọc Quang Thiết chia sẻ: "Có thực tế cơ bản: nghèo thì đừng có bệnh, mà lỡ có bệnh thì đừng có than. Vì có những thứ không phải chúng tôi không thấy mà là chúng tôi không muốn thấy. Bạn có ý kiến gì không?".
TTO - Nhiều bệnh nhân phải trả tiền gửi xe máy giá "cắt cổ" khi đến khám bệnh tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM. Chính quyền địa phương và các bệnh viện có giải pháp gì về việc này?
Xem thêm: mth.11793820190403202-neiv-hneb-o-ohc-cuhc-mehc-yam-oab-iov-ohk-meht-noc-ohk-ad-tat-hneb/nv.ertiout