Trong tập 4 của talkshow "Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk", bà Huỳnh Thị Xuân Liên - thành viên hội đồng quản trị PNJ, phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) và ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch GIBC, chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã cùng trò chuyện xoay quanh chủ đề "Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với phát triển bền vững".
Khởi đầu chương trình với những bước rảo chân dọc bên bờ sông Sài Gòn, hai vị doanh nhân đã dẫn dắt người xem bước vào những cánh cửa thông tin của sự phát triển bền vững, từ khái niệm đến những câu chuyện thực tế tại Việt Nam cũng như bức tranh dài hạn về giá trị của một doanh nghiệp hướng đến bền vững.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trong phát triển bền vững, sự tồn tại và phát triển bền vững của một doanh nghiệp tùy thuộc vào sự cân đối giữa 3 lợi ích, đó là kinh tế, môi trường và xã hội. Trong các "trụ cột" đó, ông Trai cho rằng vấn đề kinh tế rất quan trọng, là cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Lấy dẫn chứng từ việc thành lập PRO Việt Nam vào năm 2019, ông Trai cho rằng gần 20 doanh nghiệp với doanh số cả tỉ USD tại Việt Nam và họ thấy rằng lượng bao bì nhựa thải ra là một vấn đề nhức nhối, khi họ tạo ra lợi nhuận trên số lượng khổng lồ các sản phẩm bán ra.
Do đó, các doanh nghiệp đã ý thức phải thu hồi, tái chế các bao bì này để tạo ra lợi nhuận. Hơn thế, tổ chức này cũng phối hợp Chính phủ để đóng góp, sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và sắp tới đây các doanh nghiệp buộc phải đóng phí hoặc thu gom, tái chế các sản phẩm để bảo vệ môi trường.
Theo chủ tịch GIBC, trong tương lai gần, việc phát triển bền vững, hướng đến bảo vệ môi trường là một điều bắt buộc. Do đó, các doanh nghiệp cần phải hoạch định chiến lược lâu dài, cân đối giữa ngắn hạn và dài hạn để nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và đặc biệt là đạt các yêu cầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tương tự, bà Xuân Liên cho rằng hiện phát triển bền vững đã không còn là ý niệm nữa, mà đang bước sang giai đoạn phải làm. Theo bà Liên, việc doanh nghiệp đi trên con đường phát triển bền vững, hướng đến môi trường và cộng đồng, xã hội cũng là một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bàn luận về chiến lược của doanh nghiệp, Phó chủ tịch HAWEE Xuân Liên cho rằng doanh nghiệp phải có chiến lược, có tầm nhìn và sứ mệnh phải hướng đến sự bền vững. Từ tầm nhìn và sứ mệnh này, doanh nghiệp sẽ nhất quán trong các hoạt động, biết mình phải làm gì để đạt được sứ mệnh cũng như triết lý kinh doanh đó.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng trong quá trình phát triển, doanh nghiệp nên xem phát triển bền vững là mục tiêu hoặc chiến lược, đừng xem nó là công cụ.
Ông Trai chỉ ra thực tế có những doanh nghiệp cố tình đưa vấn đề phát triển bền vững trở thành mục tiêu để quảng bá sản phẩm, quảng bá công ty, nhưng thực chất lại không hành động như mục tiêu này, thông tin không minh bạch.
Đã có không ít doanh nghiệp nước ngoài bị lên án bởi cách quảng bá như vậy, ngay cả công ty nổi tiếng Volkswagen cũng bị phạt số tiền lớn vì vi phạm luật môi trường trong vụ bê bối gian lận khí thải, đây là "vết nhơ" đối với thương hiệu này. "Như vậy không phải là cách xây dựng thương hiệu một cách bền vững", ông Trai nhấn mạnh.
Ngay tại Việt Nam, ông Trai cũng thẳng thắn chỉ ra có những công ty làm rất nhiều chương trình xã hội, quảng bá những hoạt động này nhưng thực chất lại vi phạm pháp luật, nợ tiền khách hàng, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí là vi phạm những quy định bảo vệ môi trường.
Theo ông Trai, điều này rõ ràng là sự mâu thuẫn đối với doanh nghiệp cũng như không thể hiện mục tiêu chính đáng mà doanh nghiệp đang hướng đến là phát triển bền vững. "Cố tình để làm điều này một cách không minh bạch thì sẽ rơi vào tình trạng "tẩy xanh", khiến bản thân người tiêu dùng, cá nhân, cộng đồng và các bên liên quan không ủng hộ", ông Trai nói.
Một vấn đề được đặt ra nữa là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ mới cần phát triển bền vững? Trả lời câu hỏi này, bà Xuân Liên cho rằng việc quan tâm đến sự phát triển bền vững là chuyện chung của các doanh nghiệp, bất kể là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.
Đồng quan điểm, chủ tịch GIBC cho rằng một bà bán rau ngoài chợ hay một cửa hàng nhỏ, doanh nghiệp nhỏ cũng đã ý thức được phải đi trồng những loại rau organic, bán cho thị trường với giá cao hơn nhưng có lúc không đủ hàng để bán.
Do đó, ông Trai cho rằng vấn đề không phải do môi trường, mà là do nhận thức của cả người bán lẫn người mua. Nhận thức của người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc tác động đến sự phát triển bền vững trong kinh doanh. Do đó, không nên phân biệt doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ trong phát triển bền vững, mà đó là điều mà tất cả các doanh nghiệp cần hướng đến.
Theo dõi tập 4 của talkshow "Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" với chủ đề "Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với phát triển bền vững"
Xem thêm: mth.26053019070403202-peihgn-hnaod-ohc-hnart-hnac-eht-iol-oat-gnuv-neb-neirt-tahp/nv.ertiout