vĐồng tin tức tài chính 365

Lãi suất sẽ giảm đáng kể từ nửa sau năm 2023

2023-04-10 13:18

1. Nhìn lại diễn biến nửa cuối năm 2022, khi ngân hàng trung ương các nước, mà dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ thì chỉ số đồng USD (DXY) liên tục tăng giá mạnh và leo lên mức đỉnh 114 điểm vào ngày 26/9/2022. Sự mạnh lên của đồng USD đã gây sức ép lớn lên tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khác, bao gồm cả Việt Nam đồng.

Trong những tháng cuối năm 2022, có lúc tiền đồng mất giá gần 9% so với USD. Để giữ ổn định vĩ mô cũng như hỗ trợ kinh tế phục hồi, vượt qua đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành, đồng thời nỗ lực kiềm chế tỷ giá thông qua việc bán USD và nới rộng biên độ mua bán của tỷ giá USD/VND. Theo đó, dự trữ ngoại hối giảm 20% so với đầu năm 2022 (giảm khoảng 21 tỷ USD).

Trước những diễn biến có phần bất lợi trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành hai lần, vào tháng 9 và tháng 10/2022, với tổng mức tăng 2%/năm. Khi đó, lạm phát tháng 10/2022 tăng 4,3% so với cùng kỳ 2021 (vượt ngưỡng mục tiêu kiểm soát không quá 4%/năm), trong khi lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2022 tăng 2,9%. Ngoài yếu tố giá nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng cao, việc đồng USD mạnh lên càng gây áp lực lên lạm phát trong nước. Vì vậy, mục tiêu của đợt tăng lãi suất chủ yếu là để bảo vệ tỷ giá và qua đó gián tiếp bình ổn lạm phát trong nước.

2. Một loạt sự kiện căng thẳng ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đang đặt Fed cũng như ngân hàng trung ương các nước vào tình thế khó khi vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, trong khi môi trường lãi suất cao đặt một số tổ chức tài chính Mỹ và châu Âu vào tình thế nguy hiểm, do giá trị tài sản thực thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách.

Áp lực tỷ giá, lạm phát giảm đáng kể và dự trữ ngoại hối gia tăng đã góp phần tạo dư địa cho quyết định cắt giảm lãi suất điều hành.

Do đó, thị trường kỳ vọng, Fed sẽ “nhẹ nhàng” hơn với lãi suất và sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed được dự báo là 5 - 5,25%/năm (hiện tại là 4,75 - 5%/năm), thấp hơn so với mức dự báo 5,5 - 5,75%/năm trước khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ ngày 10/3/2023. Đồng thời, thị trường kỳ vọng, Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.

Hồi đầu năm 2023, câu hỏi “khi nào các ngân hàng trung ương sẽ ngưng thắt chặt chính sách tiền tệ” là vấn đề trọng yếu của giới đầu tư cho cả năm. Thực tế khi đó, một vài ngân hàng trung ương đã lộ ra ý định giảm tốc độ tăng lãi suất khi lạm phát hạ xuống mức có thể chấp nhận được. Hiện tại, tôi cho rằng, đây là thời điểm cho sự quay đầu của chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tài chính thế giới cho thấy, các ngân hàng trung ương đang trong giai đoạn có thể không hoạt động đồng pha với nhau, nguyên nhân của điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nền tảng vĩ mô của từng nước. Trung Quốc đã hạ lãi suất vào tháng 8/2022 và tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 3/2023. Ngân hàng Trung ương Singapore và Australia đều đưa ra thông báo ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp gần đây nhất.

Trong nước, ngày 16/3/2023, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, đồng thời giảm lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ 7%/năm xuống 6%/năm và giảm trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Tiếp đó, ngày 31/3/2023, cơ quan này điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm một số mức lãi suất điều hành.

Động thái điều chỉnh lãi suất như vậy là kịp thời và phù hợp với điều kiện hiện nay, cũng như phản ánh cả quá trình Ngân hàng Nhà nước nỗ lực hạ nhiệt lãi suất trong thời gian qua. Áp lực tỷ giá giảm đáng kể và dự trữ ngoại hối tăng thêm 4 tỷ USD góp phần tạo dư địa cho quyết định cắt giảm lãi suất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

3. Điểm đáng chú ý trong động thái chính sách mới đó là lãi suất tái cấp vốn chỉ điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Thực tế cho thấy, các rủi ro với mặt bằng lãi suất cao vẫn còn. Chẳng hạn, Chủ tịch Fed vẫn để ngỏ khả năng có thêm nhiều đợt nâng lãi suất điều hành để hoàn thành mục tiêu đưa lạm phát trong dài hạn xuống mức bình quân 2%/năm. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất vượt kỳ vọng của thị trường, áp lực lên tỷ giá VND chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể, dẫn đến khó có khả năng đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống mức thấp.

Vì vậy, trong lần hạ lãi suất vừa qua (các loại lãi suất được giảm hầu như không trùng đợt trước), Ngân hàng Nhà nước vẫn thận trọng, với mức điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn chỉ ở mức 0,5%/năm, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước diễn biến phức tạp, có nhiều rủi ro khó lường. Tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có hành động phù hợp, với mục tiêu chính là hạ nhiệt lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Như đã đề cập, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn đang tập trung đối phó với lạm phát, nhưng lạm phát tại Việt Nam có xu hướng giảm dần trong quý I/2023, từ mức 4,9% trong tháng 1 xuống 4,3% trong tháng 2. Đây là yếu tố đầu tiên giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ sở hợp lý để cắt giảm lãi suất sớm hơn khu vực. Yếu tố thứ hai là áp lực tỷ giá dịu bớt khi đồng USD có xu hướng yếu đi.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm sâu, duy trì ở mức cao do yếu tố Fed tăng lãi suất vẫn còn đó. Tôi kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm đáng kể từ nửa sau của năm 2023, khi chu kỳ nâng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước chậm lại và ngừng hẳn.

4. Nhìn chung, lãi suất hạ nhiệt là tin tốt đối với nền kinh tế cũng như hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn. Việc giảm lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn đang đè nặng lên ngân hàng trong thời gian gần đây, từ đó tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Thông thường, việc này sẽ không xảy ra ngay lập tức, mà có độ trễ để phía ngân hàng có thời gian quan sát và đánh giá việc giảm lãi suất đầu vào có thể duy trì bình ổn hay chỉ là tạm thời, từ đó đưa ra các quyết sách đối với lãi suất cho vay, thường mang tính dài hạn.

Tuy nhiên, thời điểm này, tôi nhận định, lãi suất cho vay sẽ giảm với tốc độ nhanh hơn so với trước đây, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong quý I/2022 khoảng 2%, cao hơn mức 1,26% của năm 2021 (là năm bùng phát dịch Covid-19), nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 5,04% của cùng kỳ năm 2022, cũng như mức trung bình giai đoạn 2013 - 2022. Trong khi đó, so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14% được Ngân hàng Nhà nước đặt ra hồi đầu năm, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang khá chậm. Kết hợp với việc hàng loạt ngân hàng thương mại tung ra các gói hỗ trợ lãi suất cho vay trong thời gian gần đây, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất đầu ra trung bình sẽ giảm từ 1 - 1,5%/năm trong thời gian tới, song rất khó kỳ vọng lãi suất quay trở về mặt bằng của giai đoạn 2021 - 2022.

Xem thêm: lmth.198813tsop-3202-man-uas-aun-ut-ek-gnad-maig-es-taus-ial/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Lãi suất sẽ giảm đáng kể từ nửa sau năm 2023”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools