Ngày 10-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4-2023.
Phiên họp nhằm thảo luận, cho ý kiến hai nội dung gồm: Lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi); việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật nhà ở (sửa đổi).
12 triệu lượt ý kiến đóng góp dự án Luật đất đai (sửa đổi)
Tại dự án Luật đất đai sửa đổi, các ý kiến đã thảo luận về những vấn đề còn khác nhau như quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất; thẩm quyền hỗ trợ người dân khi Nhà nước thu hồi đất; trả tiền thuê đất một lần; các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án...
Đến nay, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến đối với dự thảo luật. Các nội dung tập trung vào 4 nhóm lớn, có nhiều vướng mắc trên thực tiễn: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Đối với dự án Luật nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến tập trung thảo luận về việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể như quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn; quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại...
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Luật đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm. Trên cơ sở lấy ý kiến nhân dân, các bộ ngành cần hoàn thiện dự án luật, tuân thủ các quy định liên quan và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với dự án Luật nhà ở sửa đổi, Thủ tướng cho rằng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những nội dung quan trọng, phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội. Đây là những ý kiến có căn cứ cần được nghiên cứu để tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn thận.
Dự án Luật nhà ở: Lưu ý chính sách cần có lộ trình phù hợp
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trong đó, lưu ý thiết kế các chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Với các nội dung còn ý kiến khác nhau, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm, trình các cấp cần thể hiện rõ quan điểm với phương án.
Thủ tướng nhắc lại, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.
Nhiều nội dung lớn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng
Trước đó, trong thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật nhà ở (sửa đổi), sau khi cho ý kiến tại phiên họp tháng 3-2023, cơ quan này đã đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).