Chiều 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 3-2023.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay thời gian gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh…
Điều này làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy.
Tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro, giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Giải trình về nội dung này, trung tướng Lê Quốc Hùng, thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị tăng cường tổ chức, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến chức năng, trách nhiệm của Bộ Công an liên quan an ninh trật tự, đặc biệt trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ông Hùng nói hiện nay có rất nhiều thông tin, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này, tuy nhiên áp dụng vào các quy định pháp luật hiện nay thì cần phải nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy chữa cháy.
"Nếu chúng ta hạ mức quy định về phòng cháy chữa cháy thì hậu quả liên quan đến an ninh trật tự rất lớn và liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân", trung tướng Hùng nói.
Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ trong trường hợp cụ thể, bộ xin tiếp thu và sẽ có nghiên cứu để đề xuất với các cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
"Vấn đề ở đây phải tăng cường tính tự giác trong việc chấp hành, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức, kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát, bổ sung kịp thời các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy để phòng ngừa tối đa tai nạn cháy nổ xảy ra", ông Hùng nói thêm.
Dự kiến tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5-2023), Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.
Xem thêm: mth.39893436101403202-ig-ion-na-gnoc-ob-yahc-auhc-yahc-gnohp-hnid-yuq-naht-peihgn-hnaod/nv.ertiout