Hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng vào năm ngoái, nhưng thứ còn phát triển nhanh hơn là sự ra đời của các nhà máy. Cục điều tra dân số Mỹ cho biết chi tiêu cho xây dựng nhà máy đạt 108 tỷ USD vào năm 2022, mức hàng năm cao nhất từng ghi nhận, nhiều hơn số chi tiêu để xây dựng trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc tòa nhà văn phòng.
Các nhà máy mới đang mọc lên khắp nơi, từ thị trấn đến trung tâm đô thị, từ các cánh đồng đến sa mạc. Phần lớn chúng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như pin xe điện và chất bán dẫn, những ưu tiên quốc gia được hỗ trợ bởi hàng tỷ USD khuyến khích của chính phủ.
Ngoài ra, các công ty từng phụ thuộc hoàn toàn vào gia công ở nước ngoài để sản xuất kính mắt, xe đạp và thực phẩm bổ sung cũng đã tìm được lý do quay về nước. Đảm bảo tốc độ và linh hoạt là lý do Công ty sản xuất tất FutureStitch xây nhà máy đầu tiên ở Mỹ mùa hè 2022, dù có 2 nhà máy tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
CEO Taylor Shupe cho biết nhà máy ở Mỹ cho phép công ty nhanh chóng bổ sung hàng cho đơn vị bán lẻ. Cùng với đó, thời gian cũng là điều cốt yếu để bán những đôi tất kỷ niệm các sự kiện như NBA Finals hay Kentucky Derby. Vẫn duy trì nhà máy ở nước ngoài nhưng công ty sẽ xây thêm nhà máy thứ hai ở Mỹ và có thể là thứ ba khi phát triển sản phẩm mới. "Ngày càng nhiều tiền đổ vào sản phẩm 'Made in USA'", ông nói.
Thăng trầm ngành sản xuất
Sản xuất luôn là một phần không thể thiếu của Mỹ. Dây chuyền lắp ráp của Henry Ford đã tạo ra những chiếc ôtô giá cả phải chăng cho đại chúng. Ngành công nghiệp góp phần giành chiến thắng trong Thế chiến II, khi gần một nửa lao động khu vực tư nhân làm việc trong các nhà máy.
Nhưng tỷ lệ lao động sản xuất giảm dần từ đó, nhờ tự động hóa và các công ty Mỹ tìm kiếm chi phí thấp hơn ở nước ngoài. Năng lực sản xuất, vốn đã tăng trưởng khoảng 4% một năm trong nhiều thập kỷ, đã chững lại sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Nhưng năm ngoái, năng lực sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2015 sau khi tình trạng thiếu hụt và chậm trễ do đại dịch khiến các nhà sản xuất phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng xa xôi của họ, theo Chris Snyder, nhà phân tích công nghiệp của UBS. "Covid đã cho mọi người thấy mức độ rủi ro mà họ phải đối mặt", ông nói.
Các ưu đãi khổng lồ của chính phủ đang tạo động lực lớn. Chính quyền Biden, coi xe điện và chất bán dẫn là vấn đề an ninh quốc gia, đã chi hàng tỷ USD để trợ cấp. Ví dụ có thể nhìn thấy ở Lansing, Michigan. Liền kề với nhà máy SUV của GM, một khung dầm thép khổng lồ đang thành hình.
Nó là nhà máy của Ultium Cells, liên doanh giữa GM và LG Energy Solution, với mục tiêu sản xuất pin xe điện vào cuối năm 2024. Nhà máy này cùng 2 nhà máy khác tại Ohio và Tennessee của liên doanh nhận khoản vay liên bang trị giá 2,5 tỷ USD. Nó còn nhận được 666 triệu USD trợ cấp của bang và giá điện ưu đãi.
Ultium sẽ tạo ra hơn 1.700 việc làm, không phải là con số lớn theo tiêu chuẩn địa phương. Chính quyền bang, Đại học Bang Michigan và các bệnh viện đều tuyển dụng nhiều người hơn nhưng Bob Trezise của Lansing Economic Area Partnership cho biết các nhà cung cấp tập trung xung quanh nhà máy tạo ra hiệu ứng cấp số nhân, khiến họ xứng đáng nhận hỗ trợ.
Thị trưởng Lansing Andy Schor cho biết thành phố cũng đang thu hút các công ty sản xuất chất bán dẫn. Richard Branch, Kinh tế trưởng của Dodge Construction Network, chuyên theo dõi các dự án xây dựng, cho biết ngành bán dẫn và pin xe điện chiếm gần một nửa tổng số mặt sàn nhà máy xây mới của Mỹ từ năm 2022.
Các dây chuyền sản xuất mới khác đang mọc lên ở khu vực Lansing. Shyft Group chuyên sản xuất các phương tiện chuyên dụng, đang mở rộng nhà máy ở phía tây nam thành phố để chế tạo một dòng xe tải và xe tải điện mới. Neogen, chuyên sản xuất các sản phẩm an toàn cho động vật và thực phẩm, đang xây dựng cơ sở sản xuất ba tầng gần trung tâm thành phố.
20 dặm về phía bắc, tại thị trấn St. Johns, nhà sản xuất các sản phẩm từ sữa có trụ sở tại Ireland đã xây dựng một nhà máy có thể biến 8 triệu pound sữa mỗi ngày thành những bao whey protein và những khối phô mai to bằng chiếc máy rửa bát.
Nhà máy là liên doanh giữa Glanbia Nutritionals và hai hợp tác xã đại diện cho nông dân chăn nuôi bò sữa địa phương. Nó vận hành vào cuối năm 2020, xử lý 25% lượng sữa bò của Michigan. Thị trưởng St. Johns Roberta Cocco cho biết nhà máy đã tiếp thêm sinh lực cho khu mua sắm của thị trấn.
Sản xuất hồi sinh ở Mỹ phần lớn nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách giữa nơi sản phẩm làm ra với cửa hàng. Nhà sản xuất đồ chơi Đan Mạch Lego cung cấp hàng toàn châu Mỹ từ một nhà máy ở Mexico. Họ cũng đang xây dựng nhà máy đầu tiên ở Mỹ, tọa lạc gần Richmond, Virginia.
"Điều này cho phép chúng tôi đáp ứng nhanh chóng nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng và quản lý lượng khí thải carbon", Giám đốc điều hành Lego Carsten Rasmussen cho biết.
Công ty thực phẩm bổ sung Vireo Systems trụ sở tại Tennessee nhập khẩu creatine - thành phần giúp tăng cơ bắp - từ Trung Quốc. Sau khi Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung, CEO Mark Faulkner quyết định xây nhà máy ở Nebraska. "Chúng tôi muốn làm chủ vận mệnh của mình", ông nói. Nhà máy sẽ vận hành sau 2 tuần nữa.
Thách thức đưa sản xuất hồi hương
Nhà máy mọc lên nhưng thiếu hụt chuyên môn, chuỗi cung ứng và lao động vẫn tồn tại. Trước khi khách hàng lớn nhất là Walmart muốn xe đạp Kent phải được sản xuất hoặc lắp ráp tại Mỹ thì họ chỉ nhập từ Trung Quốc. Năm 2014, Kent mở một nhà máy ở Nam Carolina nhưng lao động địa phương có ít chuyên môn trong chế tạo xe đạp.
Tự động hóa cao giải quyết một phần vấn đề nhưng các công nhân của Kent vẫn phải sơn khung và lắp ráp xe từ các bộ phận hầu hết sản xuất tại Trung Quốc. CEO Arnold Kamler hy vọng nhiều nhà sản xuất xe đạp khác xuất hiện để các công ty phụ trợ địa phương ra đời.
Gary Gereffi, Giám đốc Trung tâm chuỗi giá trị toàn cầu Duke, cho biết mặc dù số lượng nhà máy xây dựng tăng đột biến, nhưng nhiều ngành công nghiệp khó có thể tạo ra chuỗi cung ứng hoàn toàn trong nước. Ông nêu nhà máy sản xuất giày tự động mà Adidas ở ngoại ô Atlanta là ví dụ. Nó đã đóng cửa vào 2019, hai năm sau khi khai trương để chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Trung Quốc.
"Nếu một số khâu lắp ráp hoặc sản xuất công nghệ thấp có thể thực hiện ở nơi khác, điều đó sẽ giúp giảm chi phí ở mức độ nào đó. Tôi nghĩ các nhà sản xuất chắc chắn nên cân nhắc khi nghĩ về chuỗi cung ứng và nơi đặt nhà máy", ông nêu.
Hãng kính mắt Zenni Optical trụ sở tại California có đối tác sản xuất suốt 20 năm qua tại Trung Quốc. Tháng 5/2022, công ty mở nhà máy đầu tiên ở Mỹ, gần Columbus (Ohio), để phục vụ tốt hơn cho vùng Trung Tây và Bờ Đông.
Rob Tate, giám đốc sản xuất tại Mỹ cho biết nhà máy cho phép Zenni giao kính trong vòng 48 giờ kể từ khi khách đặt hàng. Cơ sở có 100 công nhân, xử lý 2.000 cặp kính mỗi ngày và đặt mục tiêu tăng lên 14.000 cuối 2023.
Kế hoạch ban đầu là dùng nhà máy ở Ohio làm nơi hoàn thiện những công đoạn cuối trên các thấu kính được gửi từ Trung Quốc. Nhưng khó khăn trong chuỗi cung ứng thời đại dịch khiến Zenni biến nó thành nơi sản xuất hoàn chỉnh. Dù vậy, chi phí sản xuất thấu kính ở Mỹ cao hơn khoảng 3 USD mỗi cặp.
Ngoài ra, việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đang ổn định ở mức khoảng 10% trong khu vực tư nhân, theo Cục Thống kê Lao động, với gần 800.000 việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực này trong hai năm qua. Tổng số việc làm là 13 triệu, hầu như không thay đổi trong báo cáo việc làm mới nhất.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia, ngành này cần thêm khoảng 800.000 người nữa, dẫn đến lo ngại thiếu lao động và khó khiến ngành bùng nổ. "Tôi có thể mang về mọi đơn hàng mình muốn nhưng không có ai để sản xuất", Harry Moser, Chủ tịch Reshoring Initiative, tổ chức ủng hộ việc đưa các ngành sản xuất trở lại Mỹ, nói.
David Mindell, Giáo sư lịch sử kỹ thuật và sản xuất tại Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá sự bùng nổ của các nhà máy báo hiệu Mỹ đang bắt đầu một chu kỳ mới. "Sản xuất đã là một phần của Mỹ ngay từ đầu. Tôi thấy những gì đang xảy ra bây giờ là sự trở lại với cách làm việc truyền thống hơn", ông nói.
Phiên An (theo WSJ)