Ngày hội Du lịch TP HCM năm 2023 diễn ra từ ngày 6 đến 9-4 đã thu hút hơn 190.000 lượt khách tham quan và đạt doanh thu 105 tỉ đồng, vượt xa mức 66 tỉ đồng của năm ngoái. Theo nhiều chuyên gia du lịch và doanh nghiệp (DN), chưa bao giờ du lịch thành phố đa dạng về sản phẩm như hiện nay.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nét đặc biệt của Ngày hội Du lịch TP HCM năm nay là có gian hàng riêng giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố; một số DN còn chào bán sản phẩm tour đặc trưng ưu đãi riêng cho khách tại ngày hội... Theo Sở Du lịch TP HCM, với 366 tài nguyên du lịch, ngành du lịch thành phố đã kết nối, giới thiệu hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó có 30 sản phẩm mới của các quận huyện, góp phần phong phú, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách trong nước và quốc tế.
Hai địa phương mới nhất công bố sản phẩm mới trong chiến lược "mỗi quận, huyện có một sản phẩm du lịch đặc trưng" là quận 7 và Bình Thạnh. Ông Trần Quốc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 7, cho biết quận phát triển du lịch theo hướng đa dạng dịch vụ tại các điểm đến, tập trung khai thác lợi thế sẵn có, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp với chất lượng tốt từ khách sạn, ẩm thực, dịch vụ giáo dục, mua sắm, vui chơi giải trí, du lịch MICE (hội nghị, triển lãm, sự kiện)… "Mục tiêu của quận sẽ trở thành điểm đến du lịch sống động, đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước, nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị, khác biệt của một đô thị hiện đại, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho địa phương" - ông Trần Quốc Xuân nói.
Du khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Ảnh HOÀNG TRIỀU
Theo các DN, quận 7 là một trong số ít điểm đến ở TP HCM cùng với quận 1 có lợi thế lớn để trở thành trung tâm du lịch MICE nhờ Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC) hàng đầu khu vực Đông Nam Á; nhiều trung tâm mua sắm hiện đại, hệ thống khách sạn 3-5 sao, đa dạng điểm vui chơi giải trí hấp dẫn...
Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết quận đã xây dựng sản phẩm du lịch đầu tiên hướng về lịch sử, văn hóa với tên gọi "Bình Thạnh vùng đất thanh bình" và trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục xây dựng và ra mắt một số sản phẩm phù hợp tập trung du lịch văn hóa - lịch sử, ẩm thực và mua sắm, góp phần chung tay phát triển du lịch TP HCM.
Nhằm đẩy mạnh quảng bá, tăng cường giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của thành phố, kết nối xây dựng và phát triển tuyến điểm liên kết giữa TP HCM và các địa phương, trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch đã có 4 đoàn khảo sát với 4 tuyến được thực hiện. Đặc biệt, lần đầu tiên cả 4 tuyến khảo sát đều dừng chân tham quan hệ thống ga metro - công trình hiện đại của thành phố. Các DN đã tham quan, khảo sát điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng tại huyện Cần Giờ, di tích Lăng Ông Bà Chiểu, Công viên Văn hóa lịch sử các dân tộc, Khu Du lịch làng nghề Một thoáng Việt Nam; hay liên kết tuyến với các điểm đến thuộc tỉnh Tây Ninh như Khu Du lịch Núi Bà Đen, Tòa thánh Cao đài Tây Ninh...
Bà Trần Thị Diễm, Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn VIP Tour, cho biết lần đầu tiên bà đi tham quan ga metro ở trung tâm thành phố khi tham gia đoàn khảo sát và thấy đây là điểm đến sẽ thu hút du khách khi đưa vào khai thác. "Dù chưa đi vào hoạt động, điểm đến này vẫn có thể đưa vào chương trình tour để khách hình dung nhà ga metro như thế nào, không thua kém những nhà ga ở các nước khác" - bà Diễm nói.
Tăng thêm trải nghiệm cho du khách
Các chuyên gia và DN du lịch đều đánh giá hiếm địa phương nào trên cả nước có số lượng sản phẩm du lịch lên tới hàng chục sản phẩm như TP HCM. Dù vậy, các chuyên gia và DN góp ý cần tăng chất lượng, thêm trải nghiệm trong các tour tuyến. Bởi số lượng tour nhiều nhưng mới dừng lại ở việc đi tham quan, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách. Vì vậy, đợt khảo sát này, ngành du lịch TP HCM đã giới thiệu các điểm đến mới có sức hấp dẫn và có giá trị đặc trưng riêng đến khách du lịch. Kết nối các quận, huyện theo trục tuyến phù hợp, phát huy những giá trị cốt lõi của mỗi quận, huyện để tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch. "Sô diễn hát bội tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt là một sản phẩm rất phù hợp với khách du lịch quốc tế và nội địa nhưng cần có sô diễn, lịch diễn cố định để DN du lịch đưa vào chương trình tour, tăng sự tương tác với khách du lịch, du khách có thể hóa trang thành nhân vật... Các sô diễn múa lân ở Chợ Lớn hay tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng cần những hoạt động nghệ thuật phù hợp để du khách "chạm" cùng điểm đến. Đây là những nỗ lực mà ngành du lịch đang và sẽ triển khai" - ông Phan Đông Nhựt, phụ trách đoàn khảo sát tour Củ Chi - Tây Ninh, một trong 4 tuyến điểm khảo sát của Sở Du lịch TP HCM, nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, góp ý du lịch TP HCM cần sớm xây dựng chiến lược với những mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025 như bao giờ vào tốp 15 điểm đến của châu Á, bao giờ du lịch thành phố vào tốp 10? Các DN rất cần những định hướng cụ thể đó để cùng hành động, cùng đi xa bởi mỗi DN một định hướng riêng là rất khó. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, thượng tầng cần sự kết nối và liên kết rất lớn từ vận chuyển, đi lại, lưu trú, khách sạn, dịch vụ ăn uống… nếu không kết nối sẽ rất khó tạo được sức mạnh. "Các ban, ngành đoàn thể của thành phố cũng cần tiêu chí cụ thể, chiến lược rõ ràng để từ đó phân kỳ đầu tư. Với sản phẩm du lịch, bên cạnh sản phẩm đặc trưng cần phải định vị rõ ràng với sản phẩm lõi rồi từ đó phát triển ra các hệ thống sản phẩm đa dạng, như ẩm thực là một lợi thế và có thể nhân rộng, đầu tư xứng tầm. Du lịch TP HCM không thiếu gì, nếu định vị và quy hoạch bài bản sẽ phát triển mạnh mẽ" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4
Xem thêm: mth.96131331201403202-gnurt-cad-mahp-nas-ohc-tahc-gnan-hnim-neyuhc-mch-pt-hcil-ud/et-hnik/nv.moc.dln