Hsiao Ding Hong rất yêu thích chiếc xe máy điện của mình. Chiếc xe 2 bánh chạy bằng pin không gây ồn ào và cũng không xả ra khí thải và có vẻ ngoài khá bắt mắt, có thể kết nối với app trên smartphone, thậm chí phát nhạc chúc mừng vào ngày sinh nhật của anh.
Và đây là điều quan trọng hơn cả: chỉ mất 1 phút để sạc đầy chiếc xe.
Đó là bởi Gogoro, công ty có trụ sở tại đảo Đài Loan (Trung Quốc) đã bán chiếc xe này cho Hsiao, cho phép anh đổi pin không giới hạn. Mỗi tháng anh có thể đổi tối đa lượng pin đủ để chạy được 630km với gói thuê bao giá 849 Đài tệ (tương đương 27,8 USD).
Hàng ngày, chàng trai 26 tuổi sẽ tới thành phố Hualien bằng xe máy để làm việc. Ứng dụng sẽ giúp xác định trạm đổi pin gần nhất. Hsiao chỉ cần tới đó, tháo pin đã cạn ra, nhét chúng vào 1 chiếc máy giống như máy bán hàng tự động và nhận lại pin mới. Chỉ sau 60 giây, anh có thể tiếp tục cuộc hành trình của mình. Hsiao có thể đi 40 dặm (tương đương hơn 60km) nữa mới phải đổi pin tiếp.
“Nếu không có lựa chọn đổi pin, tôi sẽ không bao giờ mua 1 chiếc xe máy điện. Dịch vụ đổi pin thực sự hấp dẫn vì giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian”, Hsiao nói. Đến tận năm 2021 anh vẫn dùng xe chạy xăng.
Hsiao là một trong số rất nhiều người ở châu Á đang bắt đầu ưa thích xe điện. Mặc dù đối với xe ô tô điện việc đổi pin sẽ phức tạp hơn gấp nhiều lần, những công ty như Gogoro đang chứng minh rằng những chiếc xe 2 và 3 bánh chạy bằng điện nhỏ gọn, tiện dụng và dễ dàng thay pin hoàn toàn có thể tạo nên cuộc cách mạng cho các phương tiện chạy bằng điện.
Tại Ấn Độ, xe hai bánh chiếm tới gần 80% tổng lượng phương tiện được bán ra. Xe máy và xe kéo 3 bánh chiếm gần 1/3 tổng lượng xăng tiêu thụ. Do đó “điện khí hóa xe hai bánh và xe 3 bánh có thể giúp giảm khí thải rất hiệu quả ngay trong thập kỷ này, trước khi xe ô tô điện cất cánh”, theo chuyên gia phân tích Allen Tom Abraham của BloombergNEF.
Năm 2020, chỉ 2% xe 2 bánh ở Đông Nam Á chạy bằng điện. Bloomberg NEF dự báo con số có thể đạt 20% vào năm 2030 nhờ các điểm đổi pin.
Vì sao đổi pin đang trở nên phổ biến?
Gogoro cho biết công ty hiện có hơn 500.000 người dùng thường xuyên hàng tháng. Mỗi phút có hơn 260 giao dịch được thực hiện trên mạng lưới của hãng, chưa kể đến các chương trình thử nghiệm tại Indonesia, Philippines và Ấn Độ.
Cũng tại Ấn Độ, công ty RACEnergy bán các bộ dụng cụ giúp chuyển những chiếc xe kéo 3 bánh chạy bằng xăng sang chạy bằng điện bằng những cục pin có thể đổi được. Còn tại Singapore, MO Batteries đang thí điểm chương trình đổi pin và có kế hoạch bước vào thị trường Malaysia. Công ty cũng đang kết hợp với DHL để triển khai ở Việt Nam. Không chỉ các startup, thị trường này còn thu hút được những ông lớn. Honda Motor mới đây vừa lắp trạm đổi pin đầu tiên tại Tokyo.
Điều này trái ngược với phương Tây, nơi các nỗ lực triển khai chương trình đổi pin liên tiếp thất bại. Better Place là 1 startup ở Israel ra đời năm 2007, hướng đến dịch vụ đổi pin cho những chiếc sedan chạy bằng điện. Tuy nhiên, hãng đã phá sản năm 2013. Nguyên nhân là do chi phí phát triển cơ sở hạ tầng quá tốn kém. Cùng năm đó, Tesla ra mắt chương trình đổi pin cho những chiếc xe Model S nhưng dự án không được nhân rộng.
Trạm đổi pin cho xe máy và xe 3 bánh dễ xây dựng và tốn ít chi phí hơn nhiều so với ô tô, theo Abraham. Những công ty như Gogoro còn hợp tác với các nhà sản xuất xe để đảm bảo thống nhất các tiêu chuẩn về pin.
Chetan Maini, người tạo ra chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Ấn Độ, biết rõ thuyết phục tài xế quay sang dùng xe điện khó như thế nào. Trong những năm 2000, khi Maini chuẩn bị bán những chiếc ô tô điện Reva đầu tiên, khó khăn nằm ở chi phí bỏ ra ban đầu quá cao và cơ sở hạ tầng sạc điện nghèo nàn. Maini đã mất 1 thập kỷ để phát triển mảng kinh doanh có thể phá bỏ các rào cản này. Năm 2017, ông đồng sáng lập Sun Mobility, 1 startup cung cấp dịch vụ đổi pin. Hiện công ty đang hợp tác với khoảng 10 nhà sản xuất xe điện. Khách có thể đổi pin tại gần 300 trạm của Sun Mobility tại 18 thành phố.
Nhận được sự hậu thuẫn từ Bosch - tập đoàn Đức đã mua 26% cổ phần, Sun Mobility hiện có khoảng 15.000 khách hàng, tăng 650% so với năm ngoái. Công ty đang làm việc với các nhà đầu tư để huy động ít nhất 100 triệu USD phục vụ việc mở rộng.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Đối với các startup đổi pin, công cuộc điện khí hóa xe cộ chỉ vừa mới bắt đầu. Horace Luke, nhà sáng lập Gogoro, cho biết đang có kế hoạch chuyển đổi hơn 12.000 trạm thành các “nhà máy điện ảo”, tức những cục pin chưa được dùng đến có thể cung cấp điện trở lại cho lưới điện. Hãng đã thử nghiệm ý tưởng này tại 10 trạm tại Đài Loan và Luke cho biết đang háo hức biến điều này thành mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận.
Mặc dù mô hình trạm đổi pin đã được một số nước đang phát triển như Kenya và Brazil học tập, mô hình này vẫn gặp phải nhiều trở ngại. Trong đó lớn nhất là phải chuẩn hóa pin. Các công ty như MO Batteries đang hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp mang tính toàn cầu, nhưng vẫn chưa thấy khả thi.
Và đến nay vẫn chưa có đủ trạm đổi pin. Ví dụ, tại Ấn Độ, sau mỗi lần đổi pin thì 1 chiếc xe kéo 3 bánh có thể đi được 45km, đủ để giao hoa quả trong nội đô Mumbai nhưng là chưa đủ để đi ra ngoại thành.
Ở Đài Loan, nơi Gogoro đã chi hàng trăm triệu USD và gần 1 thập kỷ để mở rộng mạng lưới, Hsiao thường xuyên đổi pin trước khi pin báo hết. Anh lo sợ đang lên dốc thì xe lại hết điện. “Tôi làm thế để cảm thấy yên tâm hơn. Nếu đang chạy xe xăng thì tôi đã không phải lo về điều đó”, Hsiao nói.
Tham khảo Bloomberg