Theo giới quan sát, việc Trung Quốc mô phỏng tấn công "mục tiêu quân sự nước ngoài" ở trên là muốn cảnh báo Mỹ. Vậy Washington có cách tiếp cận ra sao với tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan hiện tại?
Bảo vệ "quân xanh"
Khi bàn về tư duy đàm phán chiến lược, "quân xanh" là khái niệm dùng để miêu tả nhóm đối tác đang ủng hộ lợi ích của chủ thể, còn "quân đỏ" là khái niệm chỉ nhóm đối tượng ngược lại với xu hướng đe dọa và bất hợp tác. Việc giữ được tương tác thân thiện với cả "quân xanh" và "quân đỏ" trong cùng một vấn đề được xem là chiến lược đàm phán tối ưu.
Chính quyền ông Biden hiện tại đang có nhiều chỉ dấu cho thấy việc hiện thực hóa tư duy thông qua các nỗ lực giữ "quân xanh" nguyên vẹn mà không làm mất lòng "quân đỏ" thông qua hai vành đai ngoại giao và quân sự.
Đối với vành đai ngoại giao - pháp lý, phía Mỹ đã khéo léo phát huy tối đa khả năng diễn giải pháp lý của Đạo luật thăm viếng Đài Loan (TTA) và Đạo luật chính sách Đài Loan (TPA) nhằm mở rộng giới hạn của việc tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc", từ đó cho phép tăng cường tương tác giữa các quan chức liên bang và nghị sĩ Quốc hội của Mỹ đến Đài Loan và ngược lại.
Cụ thể lần này là chuyến thăm Đài Loan của phái đoàn nghị sĩ do chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ từ ngày 6 đến 8-4 vừa qua, nghĩa là ngay sau chuyến thăm của bà Thái Anh Văn đến Mỹ và diễn ra trong thời điểm phía Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang triển khai cao điểm của cuộc tập trận.
Không dừng lại ở đó, chính quyền ông Biden cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc thực hiện "Sáng kiến hỗ trợ an ninh Đài Loan" nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Đài Loan.
Phía Mỹ cũng diễn giải động thái này hoàn toàn phù hợp với Đạo luật quan hệ Đài Loan (TRA) và chỉ nhằm đảm bảo tình hình ổn định và quá trình đàm phán hòa bình giữa Trung Quốc với Đài Loan.
Đối với vành đai quân sự, phía Mỹ đã âm thầm củng cố thế trận an ninh tập thể bao bọc Đài Loan thông qua ba mạng lưới: (i) mạng lưới các hạm đội tác chiến hàng hải, (ii) mạng lưới căn cứ quân sự và (iii) mạng lưới giám sát - viễn thám.
Trong đó, mạng lưới thứ nhất được triển khai triệt để vào thời điểm đầu tháng 4 vừa qua với sự hiện diện của bốn đội tàu của Mỹ ở các vùng biển gần Đài Loan (gồm hai hạm đội tác chiến tàu sân bay và hai hạm đội tác chiến đổ bộ), tạo nên thế răn đe chiến lược với các hoạt động tập trận của PLA.
Mạng lưới thứ hai hiện đang được phía Mỹ củng cố từng phần thông qua các động thái triển khai trở lại lực lượng thủy quân lục chiến có trang bị tên lửa đến quần đảo Okinawa phía nam Nhật Bản, đồng thời tiếp tục vận động đóng quân tăng cường trên các căn cứ phía bắc của Philippines gần với Đài Loan theo Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mở rộng.
Mạng lưới này sẽ kết hợp với các mạng lưới giám sát - viễn thám không phận và đáy biển mà Mỹ đã thiết lập cùng các đồng minh trong khu vực như Hệ thống giám sát dưới biển tích hợp (IUSS) từ Nhật Bản qua Đài Loan đến Indonesia.
Từ đó kiện toàn mạng lưới phòng vệ tập thể xung quanh eo biển Đài Loan đủ để giữ cân bằng chiến lược với sức ép quân sự từ phía Trung Quốc.
Giữ "quân đỏ"
Tuy nhiên, không dừng lại ở thế trận giữ an toàn cho "quân xanh", phía Mỹ cũng khéo léo giữ tương tác với nhóm "quân đỏ" lúc này chính là đảng đối lập ở Đài Loan (Quốc dân Đảng - KMT) và cao tay hơn là duy trì đối thoại với Trung Quốc.
Đối với KMT, Mỹ tạo điều kiện cho việc mở lại văn phòng liên lạc của đảng này ở ngay thủ đô Washington vào năm 2022, sau khi văn phòng bị đóng cửa từ năm 2008. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chào đón chính thức chuyến thăm của ông Chu Lập Luân, chủ tịch KMT, vào tháng 6-2022.
Lập trường mở của Chính phủ Mỹ với KMT đã giúp dư luận có quan điểm cân bằng hơn đối với xu hướng thân thiện với Trung Quốc của đảng này, từ đó giành được đáng kể thiện cảm của ban lãnh đạo KMT - "quân đỏ" trực tiếp có tác động đến khả năng duy trì vị trí lãnh đạo của Đảng DPP cầm quyền sau cuộc bầu cử tháng 1-2024 sắp tới.
Đối với Trung Quốc, phía Mỹ không chỉ thể hiện "quan điểm cứng" về việc không ủng hộ Đài Loan độc lập trong mọi văn bản về lập trường Đài Loan của Bộ Ngoại giao Mỹ mà còn có nhiều chỉ dấu trì hoãn trong việc cung cấp vũ khí tấn công cho Đài Loan.
Trong đó, mặc dù Đạo luật TPA cho phép công nhận quy chế "thành viên ngoài NATO" vốn cấp quyền ưu tiên cung cấp vũ khí cho vùng lãnh thổ này, nhưng hiện Mỹ vẫn để tồn đọng đến 14 tỉ USD vũ khí trong đó có cả các hợp đồng máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống HIMARS, viện lý do phải tập trung cung cấp cho Ukraine.
Kết hợp với các bước duy trì trở lại các kênh liên lạc mở giữa Mỹ - Trung kể từ sau cuộc gặp cấp nguyên thủ bên lề hội nghị G-20 vào tháng 11-2022, có thể nhận diện rõ hơn về chiến lược "giữ quân xanh và không làm mất lòng quân đỏ" của Washington nhằm giữ ổn định chiến lược ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Đây thực sự là một cách tiếp cận cân bằng vì giúp Mỹ có lợi thế tương tác với tất cả các bên liên quan cả trong và ngoài của Đài Loan, từ đó duy trì sự hiện diện bền vững của Mỹ tại vùng lãnh thổ này bất kể kết quả cuộc bầu cử tháng 1-2024 có ra sao.
Đài Loan tập trận sẵn sàng chiến đấu
Phản ứng với ngày cuối tập trận của Trung Quốc (10-4), quân đội Đài Loan đã tiến hành các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu, trong khi hệ thống phòng không trên mặt đất và hệ thống tên lửa đất đối không được đặt trong tình trạng báo động.
Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nói rằng họ tuân theo nguyên tắc "không leo thang xung đột, không gây ra tranh chấp".
Trước video mới nhất công bố ngày 9-4, Trung Quốc từng đăng video "giải phóng Đài Loan" trong một ngày hay video "mô phỏng tấn công căn cứ không quân Mỹ".
Xem thêm: mth.22884223201403202-oas-ar-naol-iad-ev-oab-gnad-ym/nv.ertiout