Sáng 11/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Tọa đàm "Phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp bền vững, các giải pháp và định hướng" nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập HTX Việt Nam.
Tìm lại niềm tin với HTX nông nghiệp
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, HTX nông nghiệp không chỉ có bước tăng trưởng đáng ghi nhận về số lượng, mà còn thể hiện sự bứt phá, vươn lên, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tích cực tham gia an sinh xã hội”.
Về thiết chế kinh doanh của HTX tại Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, đó là sự hợp lực những thành viên có lợi thế riêng rẽ, khác nhau, để trở thành một thiết chế có lợi thế dựa vào quy mô lớn hơn, tối ưu hóa khả năng đóng góp, năng lực và lợi thế của mỗi thành viên. Đồng thời cũng là sự hợp tác của những người cùng ngành nghề và những ngành nghề hỗ trợ, giúp tăng thêm khả năng cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, HTX có bền vững hay không, trước tiên dựa trên tinh thần hợp tác. Tinh thần hợp tác không chỉ quyết định bởi phân chia lợi ích cân bằng, mặc dù đây là điều kiện tiên quyết, mà còn dựa trên niềm tin lẫn nhau.
“Tôi thực sự rất ấn tượng khi cấp uỷ, chính quyền nhiều địa phương rất quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng HTX. Bên cạnh việc ban hành nghị quyết, chương trình hành động xuyên suốt, nhiều địa phương quan tâm tổ chức đối thoại với lãnh đạo HTX và trực tiếp đến thăm, làm việc với các HTX trên địa bàn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Chia sẻ về những khó khăn của HTX, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, dù một số địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, hình thành những cánh đồng lớn, câu lạc bộ đại điền, nhưng nhìn chung nông nghiệp vẫn trên quá trình thoát khỏi lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát". Đó là "điểm nghẽn lớn nhất trong hiện thực hóa tư duy kinh tế nông nghiệp”.
Vì thế Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ, nếu không có HTX, sự manh mún, rời rạc thiếu liên kết sẽ khó chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ cũng sẽ không thể tạo ra kinh tế nông nghiệp, rất khó sản xuất nông nghiệp trên những đơn vị diện tích nhỏ hẹp với chi phí quá cao.
“Ngành nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam cũng như các Bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc để làm mới mô hình kinh tế tập thể, HTX với một tâm thế mới mạnh mẽ. Hoạt động này không chỉ là những thành viên tham gia HTX, mà cần cả bộ máy hay đúng hơn là cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ sắp tới của Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương cần phối hợp đưa ra các giải pháp phù hợp. Theo đó, giải thể, cũng cổ, kết nạp thêm thành viên, liên kết các HTX, tiến tới thành lập Liên hiệp HTX hay HTX quy mô lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Giờ là lúc các địa phương cần ngồi lại phân tích điểm mạnh, điểm yếu từng HTX, với từng giải pháp cụ thể, hành động cụ thể, thời gian cụ thể.
Khi và chỉ khi nhận thức thấu đáo về tư tưởng, ý nghĩa, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển nông nghiệp bền vững và đời sống xã hội, chúng ta mới có sự thôi thúc hành động một cách mạnh mẽ, nhất quán. Tư duy hệ thống và hành động hệ thống là “chìa khóa” quan trọng.
Hiểu rõ về bản chất của HTX
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn để xây dựng quy chế tín dụng nội bộ. Có quy chế hoạt động rõ ràng mới có thể giúp HTX có đầy đủ để phát triển bởi tín dụng nội bộ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Tiến đề xuất, các hoạt động HTX cung cấp dịch vụ cho thành viên cần được miễn thuế, chỉ đánh thuế với các hoạt động cung cấp dịch vụ bên ngoài. “Chúng ta có những quy định nằm trong hành lang pháp lý để HTX hoạt động tốt hơn. Không thể đưa tất cả vào "một cái hộp và bó chặt", như vậy HTX hoạt động sẽ rất khó khăn”, ông Tiến nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Ninh Đức Hùng - Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT cho biết, bản chất của HTX là tổ chức kinh tế tập thể chứ không phải tổ chức doanh nghiệp, càng không phải là loại hình doanh nghiệp. Hoạt động của HTX với mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các thành viên và lợi nhuận của HTX.
Chia sẻ thêm về HTX nông nghiệp, TS. Hùng chỉ ra 3 điểm lợi thế lớn nhất. Trong đó, đáng chú ý, khi các thành viên trở thành khách hàng trong nội bộ HTX, thì lúc này tập hợp được diện tích đất rất lớn, đủ để sản xuất ra số lượng sản phẩm lớn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Cuối cùng, ông Hùng nhấn mạnh, với bản chất của HTX là loại hình kinh tế tập thể, phải dựa vào số đông, lấy sức mạnh của tập thể để chống lại sức ép của thị trường, điều hành, quản trị HTX phải theo nguyên tắc đối nhân, không theo nguyên tắc đối vốn. Đã là HTX thì phải có mua chung, bán chung thì mới có chi phí đầu vào thấp và doanh thu từ đầu ra cao, từ đó mang lại lợi ích từ đầu vào, đầu ra cho các thành viên của HTX.
“HTX luôn bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác, phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trước trước pháp luật. Nhà nước chỉ hỗ trợ về các chính sách đã được ban hành theo quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.
Từ đó, ông Hùng kiến nghị, trong thời gian tới, chính quyền các cấp cần hỗ trợ HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, tạo điều kiện thuê đất đai dài hạn, chính sách thuế, vốn kinh doanh. Song song với đó là khuyến khích động viên HTX phát triển sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm chủ lực của địa phương.