Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố từ năm 2005, được xem là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.
Khác với các năm trước, PCI 2022 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất. Sự thay đổi này nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương dẫn đầu.
Quảng Ninh là địa phương lần thứ sáu liên tiếp giữ vững ngôi vương trên bảng xếp hạng PCI với 72,95 điểm, và là năm thứ 10 trong tốp cao. Địa phương này từ 2017 đến nay luôn giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư".
Quy trình giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc 5 tại chỗ (các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm hành chính công). Tỉnh đang hướng đến chuyển đổi quy trình này sang 5 bước trên môi trường điện tử.
Thông qua những nỗ lực cải cách, năm ngoái, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với khoảng 2,1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,28%, đứng thứ tư trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 trong cả nước.
Trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng PCI, TP HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27; Hà Nội tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20, tức rời khỏi top 10 PCI; Cần Thơ giảm 7 bậc, xếp thứ 19.
Tại TP HCM, trong cấu phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62. Điểm sáng trong các điểm số thành phần của TP HCM là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có kết quả tốt nhất cả nước.
Năm ngoái, GRDP TP HCM tăng 9,03%, có mức phục hồi so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, sang quý I/2023, đầu tàu kinh tế cả nước chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, các trung tâm kinh tế lớn chịu biến động kinh tế nhiều hơn và các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng kỳ vọng cải cách, thay đổi thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nơi khác, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn.
Ông thông tin, kết quả năm nay cho thấy chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cơ sở đang bị đánh giá thấp hơn trước đó. Một số nơi đang không năng động, tích cực.
"Tôi cho rằng trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay, cần có sự chủ động vào cuộc của bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt ở các thành phố, trung tâm kinh tế lớn bởi chỉ cần một doanh nghiệp đình trệ cũng tạo rủi ro lớn", ông Tuấn nói.
Trong các điểm sáng PCI năm nay, Bắc Giang được xem là hiện tượng mới trong năm nay khi lần đầu tiên vào top 2 với 72,8 điểm. Địa phương này đã vượt 29 bậc so với năm ngoái.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền tỉnh. Những năm gần đây, Bắc Giang đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn; các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng có nhiều hành động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Hải Phòng năm nay xếp thứ ba với 70,76 điểm, tụt một bậc so với năm ngoái. Doanh nghiệp tại đây đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế. Thành phố đã thành lập và đưa vào vận hành Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục của các dự án quan trọng trên địa bàn và một tổ tương tự giải quyết các vấn đề cho dựán phát triển du lịch.
Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp đánh giá thành phố có UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 92% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được kịp thời tháo gỡ thông qua các đối thoại, tiếp xúc. Đây là những chỉ tiêu Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp tiếp tục nằm trong nhóm có kết quả cao với trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 4 và 5. Trong top 10 năm nay, các địa phương thuộc khu vực phía Bắc đang chiếm ưu thế hơn, chiếm 5 trên 10 vị trí.
Đây cũng là năm đầu tiên Thừa Thiên Huế vượt Đà Nẵng về năng lực cạnh tranh ở các tỉnh miền Trung. Điểm PCI của Thừa Thiên Huế đạt 69,36 điểm, xếp thứ 6, trong khi Đà Nẵng đạt 68,52, xếp thứ 9.
Đức Minh