Ngày 11-4, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý 1-2023, thước đo hàng đầu để cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hiểu hơn về thị trường Việt Nam.
3% doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam là trọng điểm đầu tư của thế giới
Báo cáo ghi nhận Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút mạnh mẽ dòng vốn nước ngoài (FDI) trong mắt các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, với hơn 3% các nhà lãnh đạo cho rằng Việt Nam là một trong ba trọng điểm đầu tư của họ trên toàn thế giới.
36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên, trong top 3 hoặc trong top 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn đang chật vật với các vấn đề như quy định thiếu minh bạch, hành chính chưa hiệu quả, khó khăn khi xin thị thực và giấy phép lao động. Có thể nhận thấy số người trả lời khảo sát chỉ ra những bất cập trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng có xu hướng tăng.
Một rào cản khác mà lĩnh vực sản xuất phải đối mặt là thủ tục hải quan phức tạp, trong khi các công ty dịch vụ chịu thách thức lớn về thị thực và giấy phép lao động. Hơn thế, nhiều ngành công nghiệp, như giao thông vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, cũng gặp cản trở do luật chống tham nhũng chưa hoàn thiện.
Kết quả điểm số không đổi so với cuối năm 2022
BCI trong quý đầu năm 2023 giữ mức ổn định 48,0 điểm, bằng so với cuối năm 2022. Mặc dù không đổi nhưng theo EuroCham, BCI đã có những dấu hiệu hứa hẹn một sự thay đổi tích cực trong triển vọng kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với một phần ba số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của Chính phủ đối với việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện.
Những người tham gia khảo sát BCI nhấn mạnh đến việc cần cải thiện sự ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một điểm đến đầu tư năng động. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết các mối bận tâm của doanh nghiệp nước ngoài và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế đất nước.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết mặc dù số điểm 48 có vẻ không ấn tượng, nhưng điều đáng khích lệ là tình hình không xấu thêm đi. Dù còn cách xa mức lý tưởng, điểm số không giảm là dấu hiệu của sự tiến bộ.
"Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết đoán trong thời kỳ khủng hoảng. Do đó, chúng tôi mong đợi các biện pháp hiệu quả hơn trong nửa cuối năm nay. Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng", ông Gabor Fluit nhấn mạnh thêm.
TTO - Đài Deutsche Welle (DW) của Đức nhận định nhiều doanh nghiệp châu Âu đang chú ý đến Việt Nam nhờ kết quả kinh tế khả quan cả trong và sau đại dịch COVID-19 - điều chỉ một vài quốc gia châu Á làm được.