Sau khi tốt nghiệp đại học vào đúng lúc đại dịch đang ở giai đoạn cao điểm vào năm 2021, Lu Zi đã có một công việc mơ ước tại một công ty thương mại điện tử. 1 năm sau, cô từ bỏ tất cả và đang sống tại một ngôi chùa Phật giáo ở miền đông Trung Quốc.
Giống nhiều bạn bè, Lu cũng có tham vọng và dành những năm học đại học để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Với bằng đại học Ngôn ngữ Trung, cô vạch ra tương lai cho mình trong ngành thương mại điện tử. Nhưng chỉ sau 12 tháng làm công việc đầu tiên, cô thấy mình cần nghỉ ngơi và quyết định làm tình nguyện tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Lu là một trong số ngày càng nhiều sinh viên trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc “vỡ mộng” vì công việc hoặc kiệt sức. Họ tạm thời nghỉ việc để suy nghĩ lại về con đường của mình.
Lu, 25 tuổi và dự định dành 1 năm ở chùa, chia sẻ: “Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn nhiều kế hoạch của tôi với cuộc sống.”
Cô nói thêm: “Suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến nhiều người ở độ tuổi của tôi vô cùng lo lắng. Bởi vậy, nhiều người đang lựa chọn gắn bó với những công việc an toàn, ổn định. Nhưng cũng có một số giống tôi, muốn tạm dừng và suy nghĩ lại về những gì mình thực sự mong muốn.”
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong những tháng gần đây, sau khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức 17,5% vào năm ngoái và lên 18,1% trong 2 tháng đầu năm 2023.
Nhóm tuổi từ 16 đến 24 thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng mất việc làm trong thời kỳ đại dịch. Các chuyên gia Trung Quốc quan ngại rằng việc thiếu cơ hội việc làm cho người trẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế của nước này.
Sau Covid-19, trong những tháng gần đây, những ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trở thành điểm đến phổ biến của những người trẻ Trung Quốc như Lu. Họ muốn tạm thời thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu tài lộc.
Theo dữ liệu từ hãng dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com, số lượt đến các ngôi chùa trên khắp Trung Quốc tăng 310% kể từ đầu năm 2023 so với 1 năm trước. Trong đó, thế hệ Y và Z chiếm 1 nửa.
Thông thường, các ngôi chùa ở Trung Quốc chỉ trở nên đông đúc vào các ngày lễ hay dịp lễ lớn. Nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Việc đến chùa đã trở thành điều phổ biến với nhóm người trẻ không muốn đi tu nhưng muốn giảm bớt áp lực công việc thông qua những công việc ở chùa.
Đối với nhiều thanh niên, họ đến chùa vào dịp cuối tuần. Còn một số khác như Lu, họ lựa chọn làm tình nguyện trong nhiều tháng để có sự hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc. Họ hỗ trợ nhà chùa trong các công việc hàng ngày và tham gia các buổi đọc kinh.
Chùa Lạt Ma nằm trong Ung Hòa Cung, ngôi chùa Tây Tạng ở Bắc Kinh, là một trong những nơi được viếng thăm nhiều nhất. Một phần khuôn viên trong đó là cung điện hoàng gia, nơi 2 vị hoàng đế của triều nhà Thanh sinh sống. Ngôi chùa này nổi tiếng với những ai muốn cầu công danh, sự nghiệp.
Bởi thế, Ung Hòa Cung trở thành điểm đến phổ biến cho giới trẻ Trung Quốc. Trong những tháng gần đây, du khách thường xuyên xếp hàng dài bên ngoài chùa, ngay cả vào ngày thường. Kể từ đầu tháng 3, chùa có khoảng 40.000 người đến thăm mỗi ngày.
Theo các bài đăng trên mạng xã hội, khách đến chùa thường dừng chân ở các cửa hàng lưu niệm và chi trung bình từ 200-1.000 tệ (29-145 USD) để mua những đồ dùng cầu may như chuỗi hạt. Nhu cầu với những món quà lưu niệm trong chùa lớn đến mức chúng còn được bán lại trên Taobao và Xiaohongshu.
Thậm chí, các ứng dụng tụng kinh và thắp hương online cũng ra đời. Một ứng dụng gõ mõ, tụng kinh trên cửa hàng ứng dụng của Huawei đã được tải xuống hơn 5,7 triệu lần. Nhiều người dùng cho biết họ thấy nó hữu ích khi bị căng thẳng.
Yao Fenfen, một sinh viên mới tốt nghiệp khác, cũng cho biết cô quyết định dành vài ngày tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi đọc trên ứng dụng Xiaohongshu.
Cô nói: “Tôi bị sa thải vào đầu năm nay và muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi này để trải nghiệm nhiều hơn và thư giãn một chút trước khi bắt đầu công việc mới. Tôi thấy một vài bài đăng trên Xiaohongshu về làm tình nguyện ở các ngôi chùa và nghĩ đây sẽ là trải nghiệm thú vị.”
Yao nói: “Tôi đã kết bạn với nhiều người trong thời gian ở chùa. Nhiều trong số họ bằng tuổi tôi và cũng vừa nghỉ việc. Họ cũng đến để trải nghiệm cuộc sống trong chùa.”
Trở lại với Lu, cô đã dành 3 tháng để làm tình nguyện ở ngôi chùa tại Chiết Giang. Cô cho biết, xu hướng này cho thấy thế hệ trẻ Trung Quốc sẵn sàng và cởi mở hơn trong việc khám phá những lối sống khác nhau. Lu dù không theo tôn giáo nào, nhưng vẫn thích lối sống và giáo lý của Phật giáo vì tập trung vào cái thiện.
Tham khảo SCMP