Trước đây, từ năm 18 tuổi tôi đã là đại lý bảo hiểm nhân thọ, rồi từ từ leo lên đến vị trí AD (giám đốc quản lý đại lý khu vực).
Bảo hiểm nhân thọ là một tấm lưới để bảo vệ mọi người khi rơi khỏi những nghịch cảnh cuộc đời, mà trong đó người được cứu thường là trẻ em, người già và người tàn tật.
Bảo hiểm nhân thọ là một giải pháp mà ở đó bạn có thể đảm bảo cuộc sống cha mẹ, con cái của bạn và chính bạn khi chẳng may nghịch cảnh tìm đến khi bạn bất ngờ nhất.
Chính vì thế mà bảo hiểm nhân thọ luôn là quốc sách của tất cả quốc gia, không chỉ của Việt Nam. Năm 2022, ngành bảo hiểm nhân thọ chi trả hơn 40.000 tỉ đồng cho những người tham gia bảo hiểm, những người mà hầu như chẳng được người thân, bạn bè giúp đỡ bao nhiêu! Tuy nhiên, vì sao chúng ta vẫn thấy nhan nhản các thông tin về việc khách hàng bị lừa, đại lý tư vấn ẩu?
Có một góc khuất rằng, để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng về bảo hiểm nhân thọ thì các đội nhóm kinh doanh bảo hiểm đã tuyên truyền và thực hiện khẩu hiệu "tuyển dụng hay là chết". Chính các bộ phận đào tạo cũng theo không kịp công tác tuyển dụng nơi mà áp lực "lấy code" cao hơn so với việc đào tạo chuẩn. Chính các bộ phận đào tạo và kiểm soát chất lượng đại lý công ty bảo hiểm cũng đầu hàng trước áp lực phải cho "ra lò" các tân binh là nguồn doanh số cho doanh nghiệp.
Vậy chúng ta hiểu rằng "tư vấn láo" là điều tất nhiên! Nhưng Bộ Tài chính đã làm gì? Họ cố gắng kiểm soát chất lượng của đại lý bằng các chương trình sát hạch đầu vào. Nhưng kết quả ra sao? Không ít công ty chỉ đào tạo nhằm mục đích đối phó với kỳ thi sát hạch của Bộ Tài chính.
Chính một số sếp quản lý đào tạo của các công ty bảo hiểm từng than vãn với tôi rằng "bọn mình luôn muốn đào tạo đến nơi đến chốn, dạy cứng về nghiệp vụ và kiến thức, nhưng không ai chịu, học khó quá thì không ai thèm học".
Ở các nước phát triển, đại lý phải được sát hạch hằng năm về kiến thức chung và chuyên môn. Chúng ta cũng nên thế, các công ty bảo hiểm phải giao quyền hơn nữa cho bộ phận đào tạo và quản lý chất lượng đại lý hơn là chỉ chạy theo mục tiêu doanh số. Bán bảo hiểm cho cố làm gì khi mà khách hàng lại gào lên "tôi bị lừa!".
Qua những sự việc vừa qua, không ít đại lý vào "đổ lỗi nạn nhân" kiểu "chắc là ngu nên không đọc hợp đồng". Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: "Vì không rành mới cần đại lý tư vấn".
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng và thật vào những con số hào nhoáng tăng trưởng tốt, tăng trưởng bất chấp khủng hoảng của ngành bảo hiểm nhân thọ để nhìn lại: chúng ta cần phát triển thị trường hay chỉ đơn thuần là tăng trưởng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người dân tẩy chay bảo hiểm nhân thọ, để rồi khi họ gặp cảnh hiểm nghèo không ai giúp đỡ và chỉ còn biết nói "phải chi...".
Ngành bảo hiểm không sai, khách hàng không sai, chủ trương Nhà nước không sai. Chỉ có những người làm nghề bất nhân là sai!
Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - chia sẻ 10 điều đại lý bảo hiểm thường "quên" nói cho khách hàng.
Xem thêm: mth.57305849021403202-oht-nahn-meih-oab-yahc-yat-nad-iougn-uen-ar-yax-ig-neyuhc/nv.ertiout