Bổ sung 600 xe taxi cho thị trường vận tải Hà Nội
Từ ngày 14/4, Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Tập đoàn Vingroup) dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành dịch vụ taxi điện và cho thuê ô tô, xe máy điện tại Hà Nội. Công ty này cho biết đây sẽ là bước khởi đầu cho kế hoạch phủ sóng taxi Xanh SM tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay trong năm nay.
Theo đó, khách hàng tại Hà Nội có thể lựa chọn hai dịch vụ di chuyển xanh và thông minh của Taxi Xanh SM là GreenCar và LuxuryCar, với hai loại xe tương ứng trong giai đoạn đầu là VinFast VF e34 và VinFast VF 8.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM, mô hình của GSM giống với mô hình của taxi truyền thống về mặt vận hành, khác biệt ở đây là phương tiện hiện đại, nhiều tính năng thông minh.
Trước đó, Công ty TNHH Đồng Thúy, đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi đã sử dụng mẫu xe VinFast e34 cho hoạt động taxi của mình tại Lâm Đồng và trở thành hãng vận tải tiên phong tại Việt Nam cung cấp dịch vụ taxi điện.
Ngay sau thương hiệu Lado Taxi, lô xe ô tô điện VinFast VF e 34 tiếp theo được một cá nhân đặt mua để chạy dịch vụ tại Hòa Bình đã được bàn giao, tiếp tục thúc đẩy làn sóng “điện hoá” trong dịch vụ vận tải tại Việt Nam.
Trước khi chính thức vận hành dịch vụ taxi điện, GSM cũng vừa “chốt” thêm được nhiều hợp đồng mua xe và cho thuê xe với một số đối tác như Công ty TNHH Đồng Thúy, dịch vụ giao hàng Ahamove,…
Bài toán “phải thay đổi” cho taxi truyền thống
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng Khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT cho biết, khi taxi điện ra đời chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị phần của các hãng taxi truyền thống.
Theo ông Thái, một lượng lớn khách hàng tại các khu đô thị, trung tâm thương mại của VinGroup sẽ chuyển sang dùng dịch vụ này, với tâm lý trải nghiệm. Giá cả có thể đắt hơn taxi truyền thống, nhưng nếu dịch vụ, trải nghiệm khách hàng tốt, người dân có thể vẫn sẵn sàng bỏ tiền. Bên cạnh đó, những trải nghiệm tốt về việc Vingroup vận hành xe bus điện trước đó sẽ là cơ sở để người dân càng thêm tin tưởng để lựa chọn trải nghiệm mô hình taxi mới này.
“Kinh doanh taxi hiện nay toàn các doanh nghiệp lớn như Grab, Be, Gojek, đến nay thêm cả VinGroup. Các hãng taxi truyền thống sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu vẫn làm manh mún như trước đây sẽ không cạnh tranh được. Về lâu dài, các hãng taxi truyền thống buộc phải sáp nhập để nâng cao tính cạnh tranh, giành thị phần”, ông Thái đánh giá.
Đồng thời chuyên gia này cũng cho rằng việc thay thế xe xăng thành xe điện đang là xu thế tất yếu trong lĩnh vực vận tải hành khách, các hãng taxi cũng cần tính toán điều này trong chiến lược phát triển của mình và sớm có lộ trình triển khai.
Theo lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện tại Quyết định 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, doanh nghiệp taxi khi thay thế, mua mới phải chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, với giá cả xe điện như hiện nay là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi. Tại Việt Nam, VF e34 có giá 710 triệu đồng, VF 8 giá từ 1,129 tỷ đồng (bao gồm VAT, không kèm pin).
Theo ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc Công ty taxi G7 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng nhận định, các doanh nghiệp taxi đưa xe điện vào khai thác là một tất yếu, tuy nhiên trong quá trình vận hành phải tính toán giá cả sao cho hợp lý, để mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm doanh nghiệp, người lao động và khách hàng.
“Nếu mua hoặc nhập xe điện giá cáo sẽ khiến thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp kéo dài, khó khăn. Bên cạnh đó, giá cước cũng vì thế là đội lên khó cạnh tranh với các loại hình dịch vụ khác”, ông Quân cho hay.
Cũng cho rằng việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch để giảm ô nhiễm môi trường là rất cần thiết, tuy nhiên ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng việc thực hiện được là không đơn giản. Theo đó, việc điện hóa taxi cần cơ chế chính sách, nguồn hỗ trợ lớn từ Nhà nước, nếu không doanh nghiệp khó đủ nguồn lực.
“Chẳng hạn, nếu hãng taxi Mai Linh hiện nay chuyển sang xe điện, số tiền cần tới cả nghìn tỷ đồng nên sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, còn có các rào cản khác như hạ tầng trạm sạc. Để xây một trạm sạc sẽ mất khoảng 2 tỷ đồng, liệu Nhà nước có hỗ trợ không? Sau này pin hết hạn xử lý về môi trường thế nào?
Chúng tôi đã tham khảo đơn giá niêm yết cho thuê taxi điện của GSM. Ví dụ một chiếc VF e34, giá cho thuê là 11 triệu đồng, thuê pin là hơn 3 triệu đồng. Để hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền điện để sạc khoảng 2 triệu đồng/tháng cộng với thu phụ phí nếu vượt hạn mức sẽ thu thêm phụ trội 1.265 đồng/km.
Mỗi tháng, một chiếc ô tô điện sẽ tiêu tốn gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ và khấu hao. Với hàng trăm xe cần chuyển đổi, đa số các doanh nghiệp khó có nguồn lực để tiếp cận được”, ông Hùng nói.
Còn theo đánh giá của TS. Ngô Quý Nhâm - Chuyên gia Tư vấn Chiến lược Cao cấp của OCD, hiện nay là thời điểm thích hợp để nhiều hãng taxi truyền thống chuyển đổi. Bởi việc sử dụng Vinfast VFe34 với giá hiện tại, các hãng taxi sẽ có nhiều lợi ích do chi phí điện thấp hơn xăng, bão dưỡng thấp hơn, dễ dàng tối ưu hoạt động kinh doanh hơn.
Bên cạnh đó, các hãng taxi có lợi còn ở khía cạnh Vinfast đang bán xe dưới giá thành (khoảng 20%: Chuyên gia này ước tính từ Bản cáo bạch của Vinfast nộp cho SEC để IPO). Lợi ích của các hãng taxi dùng xe điện Vinfast chính là phần chịu lỗ mà Vinfast chấp nhận gánh để có nhiều xe điện hơn chạy trên đường phố.