vĐồng tin tức tài chính 365

"Xanh hóa" ngành dệt may - hướng đi tất yếu

2023-04-13 07:27

“Xanh hóa” ngành dệt may là yêu cầu cấp bách

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA), các doanh nghiệp dệt may thuộc HUBA đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu.

Kết quả quý I/2023 của doanh nghiệp dệt may thành phố đã cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. HUBA cũng dự báo rằng các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.

Việc dệt may liên tục gặp khó khăn kéo dài kể từ cuối năm 2022 tới nay, theo chia sẻ của những doanh nghiệp đầu ngành, ngoài khó khăn do thị trường giảm sức cầu còn xuất phát từ nội tại của ngành.

Nói về những tồn tại của ngành dệt may, theo Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtek) đó là việc thiếu tính liên kết trong chuỗi cung ứng. Điều đáng nói, chuỗi cung ứng bền vững không phải là một khái niệm mới trong ngành và cũng không phải đến thời điểm hiện tại vấn đề này mới được chú trọng.

Cụ thể, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, xu hướng mua hàng của các nhà nhập khẩu may mặc lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang thay đổi, họ ưu tiên lựa chọn chuỗi cung ứng có khả năng sản xuất nhiều công đoạn, tập trung tại một địa điểm đồng thời minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cũng quan tâm tới việc giảm thiểu sử dụng hóa chất, tiết kiệm nguyên liệu bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Đặt trong những yêu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam đang yếu và thiếu tính liên kết theo chuỗi cung ứng. Bởi thực tế, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang làm gia công, dẫn tới lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá…

Trong bối cảnh trên, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean khẳng định: Một trong những chìa khóa để thay đổi, tái định vị ngành dệt may Việt Nam, không gì khác là ứng dụng chuyển đổi số.

“Tại Việt Thắng Jean, kể từ khi ứng dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp, không những tối ưu được nguồn nhân công, mà các khâu vận hành cùng chất lượng sản phẩm cũng đã cải thiện đáng kể. Ngoài ra, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nano, ô-zôn trong nhuộm và điều chỉnh màu vải đã giúp giảm thiểu tối ra chất thải ra môi trường”, ông Việt cho biết.

Kinh tế - 'Xanh hóa' ngành dệt may - hướng đi tất yếu

Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Cùng với chuyển đổi số thì việc hướng tới kinh tế tuần hoàn cũng là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay với doanh nghiệp dệt may.

Liên quan vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty CP Leanwares nhận định, trước đây kinh tế đi một chiều từ nguyên liệu đến chất thải nhưng hiện xu thế tái chế, tuần hoàn ngày càng tăng. Khi xu hướng thay đổi, nhất là các tiêu chuẩn organic được lựa chọn nhiều, bắt buộc doanh nghiệp dệt may phải thay đổi và phải hành động.

Còn ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan Tp.HCM cho rằng, nếu doanh nghiệp dệt may không có lộ trình xanh hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bị đào thải. “Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế bao gồm tất cả các công đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối. Trong đó, sử dụng nguyên liệu đầu vào đảm bảo tính môi trường, giảm thiểu tác động đến môi trường và có các lợi ích cơ bản cho nền kinh tế”, ông Việt nói.

Nói về xanh hóa ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia Tp.HCM cho biết, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải nhà kính cao. Thế nhưng, nguồn cung nguyên phụ liệu của Việt Nam lại chủ yếu là nhập khẩu khoảng 70%. Điều này khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Riêng khâu dệt nhuộm, chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án dệt, nhuộm đang nỗ lực để phát triển bền vững nhưng chưa ghi nhận được sự chia sẻ từ một số địa phương”, ông Quân cho biết.

Trong khi đó, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế nhận định: “Xuất khẩu dệt may ngày càng khó hơn. Nguyên nhân chủ yếu, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới, trong đó đặt ra nhiều tiêu chuẩn về xanh hoá”.

Năm 2023 ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo mục tiêu này đang gặp những thách thức do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…

Doanh nghiệp nỗ lực chuyển mình

Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. Cùng với đó các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Thực tiễn bắt buộc dệt may phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường.

Theo tính toán, hiện có gần 100 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc và một số nước khác đối với dệt may Việt Nam. Quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng được.

Từ thực tế trên, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực "xanh hóa" trong sản xuất và bước đầu thành công. Có thể kể tới như Faslink đã đầu tư nhiều xưởng sản xuất với tổng diện tích 10.000 m2, trang bị hơn 300 thiết bị hiện đại và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D để làm ra 5 loại sợi vải 'xanh' từ tự nhiên như: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà.

“Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà… của chúng tôi không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang”- bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng Giám đốc Fastlink cho biết.

Còn với Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (TCM), ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này chia sẻ, từ nhiều năm trước TCM đã tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín - thu nhỏ bên trong doanh nghiệp, để các nhân tài có điều kiện để thử nghiệm từ A đến Z, từ tạo ra sợi vải đến thành phẩm đầu cuối là áo quần.

Thành quả là Thành Công đã sản xuất và phân phối được các sản phẩm từ sợi tái chế, hoặc vải sợi từ vỏ chai, bắp hoặc nguyên liệu từ thiên nhiên và được các thương hiệu thời trang từ Nhật Bản, Adidas hay North Face… ưa chuộng.

Theo các chuyên gia, muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Minh Hoa (t/h)

Xem thêm: lmth.295206a-uey-tat-id-gnouh-yam-ted-hnagn-aoh-hnax/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“"Xanh hóa" ngành dệt may - hướng đi tất yếu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools