Mới đây có ý kiến đề xuất không chỉ duy trì quản lý giá trần mà cần bổ sung giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hàng không!
Năm ngoái, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam đứt gãy, tôi gửi bức ảnh người dân Việt Nam xếp hàng mua xăng trong đêm vào group chat của một số nhà kinh tế học trên thế giới, lập tức có người trả lời: "Việt Nam đang quản lý giá xăng dầu phải không?".
Rồi ông ta gửi lại bức ảnh người dân Mỹ xếp hàng mua xăng trong đêm vào những năm 1970, và nói: "Nhiều nước từng cố gắng quản lý giá xăng dầu, hệ quả đều giống nhau: thiếu hụt".
Bộ Công Thương đã nhận ra điều này. Dự thảo lần thứ hai sửa đổi nghị định về xăng dầu, bộ đề xuất cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng, được tính bằng giá trên thị trường thế giới cộng hoặc trừ quỹ bình ổn xăng dầu.
Các chi phí kinh doanh và lợi nhuận sẽ do doanh nghiệp tự quyết. Nếu được Chính phủ thông qua, đó là bước chuyển sang cơ chế thị trường đối với lĩnh vực xăng dầu.
Nhưng cũng có những sự dịch chuyển ngược lại. Mới đây có ý kiến đề xuất không chỉ duy trì quản lý giá trần mà cần bổ sung giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hàng không!
Nước Mỹ những năm 1980 cũng từng quản lý giá sàn dịch vụ hàng không với lo ngại các doanh nghiệp cạnh tranh quá mức dẫn đến phá sản. Khi không thể giảm giá, các hãng cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng dịch vụ, trong đó có bữa ăn thịnh soạn trên máy bay.
Cục Hàng không dân dụng lại phải hạn chế các dịch vụ, thậm chí có lúc còn giới hạn cả kích thước tối đa của bánh hamburger trên máy bay.
Khi ông Ronald Reagan làm tổng thống đã giải tán Cục Hàng không dân dụng của Mỹ. Chức năng quản lý bay chuyển về đơn vị quản lý không lưu. Thị trường hàng không của Mỹ trở nên linh hoạt, giá vé giảm khiến nhiều người được bay hơn.
Vì sao đã có nhiều bài học mà chúng ta vẫn tranh luận những điều mà thế giới đã trả lời từ 50 năm trước?
Điều này có lẽ xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là nhận thức chưa đầy đủ về các quy luật thị trường. Thứ hai là có những nhóm lợi ích muốn bóp méo thị trường để có lợi cho mình.
Vấn đề thứ nhất, chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức vận hành theo quy luật thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng khi nói điều tiết, nhiều người nghĩ Nhà nước phải điều tiết về sản lượng hoặc giá cả. Tuy nhiên, khi can thiệp vào sản lượng và giá lại không còn bảo đảm vận hành theo quy luật thị trường nữa.
Sự điều tiết của Nhà nước nên được hiểu là các công cụ bao gồm các quy định về an toàn, môi trường; pháp luật cạnh tranh chống độc quyền; thuế phí và trợ cấp... phù hợp với quy luật thị trường mà vẫn đạt được mục tiêu quản lý.
Loại bỏ các can thiệp vô lý của Nhà nước vào giá cả và sản lượng chính là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về sản lượng, năm 2017 Luật quy hoạch đã loại bỏ những quy hoạch can thiệp vào sản lượng của hàng hóa, sản phẩm, chỉ cho phép giữ lại các quy hoạch liên quan đến hạ tầng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Việc phân bổ các nguồn lực sản xuất khác do thị trường chứ không phải do Nhà nước quyết. Đó là một bước tiến lớn.
Về giá cả, Luật giá đang được thảo luận tại Quốc hội. Một trong những sửa đổi mang tính cách mạng của luật này là Nhà nước chỉ can thiệp vào giá khi có hàng hóa, dịch vụ mang tính độc quyền hoặc do Nhà nước cung cấp. Đây là bước đi đúng đắn.
Vấn đề thứ hai là các nhóm lợi ích muốn bóp méo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường luôn đòi hỏi sự cạnh tranh nhưng có nhiều người muốn hưởng lợi nhuận mà không phải cạnh tranh, từ đó vận động để đưa ra chính sách phi thị trường có lợi cho mình.
Nhận diện những ý kiến như vậy không phải đơn giản, nhưng có một công thức 3P. Đó là doanh nghiệp nào cũng sẽ vận động chính sách vì lợi nhuận (Profit), nhưng để có được lợi nhuận thì có thể thông qua việc tăng năng suất (Productivity) hoặc có được đặc quyền (Privilege).
Điều này đặt ra vấn đề cho nhà làm chính sách, có nhiệm vụ phải ủng hộ những ý kiến tăng năng suất và gạt bỏ những kiến nghị để có được đặc quyền.
NGỌC AN ghi
Nhiều hàng hóa, dịch vụ đang có xu hướng điều chỉnh tăng giá vào những tháng giữa năm và cuối năm gây nhiều áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Xem thêm: mth.24154408031403202-iaoh-naul-hnart-am-ior-or-ad-yab-yam-ev-gnax-aig/nv.ertiout