Dùng nhiều thiết bị điện tử, trẻ mắc TIC âm thanh, TIC vận động
Các bác sĩ cho hay những năm gần đây Việt Nam ghi nhận trẻ mắc hội chứng TIC - căn bệnh mới biểu hiện nháy mắt, lắc đầu, tặc lưỡi liên tục và kỳ lạ - ngày càng nhiều, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), sau dịch COVID-19 tỉ lệ trẻ đến khám vì hội chứng TIC tăng hơn so với thời gian trước.
Trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 90-100 trẻ đến khám, trong khi trước đó chỉ khoảng 50 ca bệnh.
Điển hình mới đây bé trai N.T. (10 tuổi) đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thăm khám trong tình trạng giật cơ ở đầu và vai liên tục.
Lo lắng con mình mắc bệnh động kinh, gia đình đã đưa trẻ đi khám, kết quả chẩn đoán em T. mắc phải hội chứng TIC.
Theo lời kể của người nhà, T. đã có thời gian dài sử dụng thiết bị điện tử để chơi game.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lo ngại hiện trẻ sử dụng rất nhiều các thiết bị điện tử, dùng máy tính bảng.
Trong đó, đặc biệt trào lưu bắt chước TikTok dẫn đến mắc hội chứng TIC làm rung giật cơ, đặc biệt là TIC âm thanh không thể kiểm soát được.
"Trước đây tỉ lệ mắc hội chứng này chỉ khoảng 20% ở trẻ em, nhưng hiện nay tại các nước lân cận và tại Việt Nam đang gia tăng khiến các phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, lo ngại nhất là TIC âm thanh, trẻ thường hay chửi thề", bác sĩ Quy chia sẻ thêm.
Còn bác sĩ Nguyễn Thành Danh - khoa tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cũng cho biết thêm những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận ngày càng nhiều rối loạn TIC ở trẻ em, đặc biệt là bé trai ở độ tuổi đến trường.
Hạn chế thiết bị điện tử giảm hội chứng TIC
Bác sĩ Danh cho hay trẻ mắc hội chứng TIC vận động biểu hiện rối loạn một số cơ như nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, cử động miệng, bĩu môi, giật tay…
TIC âm thanh đơn giản gồm hắng giọng, ho, hỉ mũi, khạc nhổ, thét lên, sủa, huýt gió, tiếng ríu rít, lầm bầm…
Nhưng cũng có TIC phức tạp, kéo dài lâu hơn và gồm nhiều nhóm cơ: vận động (nhại động tác của người khác, vuốt tóc, đá chân, nhảy…); hoặc về âm thanh (nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, la hét, nói tục...).
Bác sĩ Lý Hiển Khánh - khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trẻ mắc phải hội chứng TIC. Nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do trẻ tiếp xúc quá nhiều các thiết bị điện tử để chơi game, xem phim, học online quá nhiều…
Để điều trị cho trẻ mắc hội chứng TIC cần mất 3-6 tháng, trẻ được dùng thuốc nhẹ và điều chỉnh hành vi như hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo bậc phụ huynh khi thấy con mình có các biểu hiện thuộc các nhóm TIC trên cần sớm đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Đặc biệt, phụ huynh cần kiểm soát được thời gian sử dụng thiết bị điện tử ở trẻ, hướng dẫn trẻ tập thể dục thể thao nhiều hơn, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử.
TTCT - Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, bác sĩ ở nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng trẻ em gái, đặc biệt là thiếu nữ, gặp vấn đề về rối loạn Tic (các cơ cử động bất thường, lặp đi lặp lại không kiểm soát) với mức độ cao bất thường. Tại Mỹ, Canada, Úc và Anh, có một sự liên quan chung là các em đều sử dụng TikTok.