Quy chế của FIFA về việc xin đăng cai World Cup
Một quốc gia muốn nộp đơn xin đăng cai World Cup phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của FIFA. Các tiêu chuẩn này được thiết lập trước khi chấp nhận hồ sơ dự thầu và có thể thay đổi theo từng thời kỳ World Cup.
Sẽ có 3 hạng mục để xét duyệt hồ sơ xin đăng cai. Thứ nhất, đánh giá sự tuân thủ các quy tắc của quá trình đấu thầu.
Thứ hai, đánh giá sự rủi ro: đánh giá tính bền vững, tác động nhân quyền và kết quả tài chính của quốc gia xin đăng cai.
Thứ ba, báo cáo đánh giá kỹ thuật: đánh giá khả năng của quốc gia nộp đơn xin đăng cai trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng và tiện nghi thương mại cần thiết để tổ chức World Cup. Do quy mô lớn về tài chính và vật chất của World Cup, các quốc gia phải chứng minh rằng họ cung cấp đủ sân vận động chất lượng, lòng hiếu khách và dịch vụ để tổ chức sự kiện.
Nếu quốc gia vượt qua được 3 tiêu chuẩn xét duyệt này thành công, hồ sơ sẽ được chấp thuận cho quy trình bỏ phiếu.
Lợi ích của chủ nhà World Cup
Đội tuyển bóng đá quốc gia đăng cai World Cup sẽ có một suất "đặc cách" tham dự vòng chung kết FIFA World Cup. Ngoài ra, chủ nhà World Cup có thể thông qua việc tổ chức giải đấu để quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy kinh tế và kiến tạo công ăn việc làm, mở ra những cơ hội phát triển mới.
Tuy nhiên kinh phí bỏ ra để tổ chức giải đấu rất "khổng lồ". Cụ thể theo thống kê ở World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, kinh phí bỏ ra là hơn 200 tỉ USD, đó là kỳ World Cup xa hoa và đắt đỏ nhất trong lịch sử.
Trước đó World Cup 2018 tổ chức ở Nga có kinh phí 13,2 tỉ USD, nhưng nó đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch và bán lẻ ở Nga tăng mạnh với doanh thu tăng hơn 31 tỉ USD sau giải đấu.
Việt Nam khó đồng đăng cai World Cup 2034
Phát biểu trong cuộc họp của Tổng cục Thể dục thể thao ngày 12-4 về việc đồng đăng cai World Cup 2034, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam khó có thể đăng cai giải đấu với điều kiện hiện tại từ tài chính, cơ sở vật chất, chuyên môn kém.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "Trong lịch sử FIFA World Cup, châu Á mới chỉ 1 lần đồng đăng cai thành công giải đấu này vào năm 2002 ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong tương lai, Mỹ, Mexico và Canada sẽ cùng làm chủ nhà của World Cup 2026.
Nếu được FIFA chấp thuận thì sau 32 năm, World Cup mới có thể quay trở lại châu Á lần thứ 2 (tính theo chu kỳ luân phiên tổ chức của FIFA đã từng áp dụng từ trước đến nay). Hiện, những đối thủ cạnh tranh cùng ý tưởng của ASEAN đồng đăng cai World Cup 2034 gồm có: Trung Quốc, Ai Cập, Zimbabwe, Nigeria và nhóm hai nước Úc và New Zealand".
Ông Đặng Hà Việt, tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cho biết ngành thể thao sẽ tìm hiểu, tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi của đề án đồng đăng cai World Cup 2034. Việc tham gia xây dựng đề án cần nhận được sự góp ý của các nhà chuyên môn thể thao, nhà quản lý, lãnh đạo Chính phủ.
Những nước chủ nhà sắp tới của World Cup
Mexico, Canada và Mỹ sẽ đồng đăng cai World Cup 2026. Đây sẽ là giải đấu đầu tiên có tổng cộng 48 đội tham dự vòng chung kết, với tổng cộng 104 trận đấu.
Chủ nhà World Cup 2030 sẽ được quyết định trong Đại hội lần thứ 74 của FIFA vào năm 2024. Hiện tại đã xác định được các quốc gia xin đăng cai như: Uruguay, Argentina, Paraguay, Chile (4 quốc gia Nam Mỹ xin đồng đăng cai).
Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ukraine và Morocco cũng chính thức nộp đơn xin đồng đăng cai World Cup 2030.
Trong khi các quốc gia khác như: Ai Cập, Hy Lạp, Anh, Scotland, Xứ Wales... cũng bày tỏ nguyện vọng muốn được tổ chức giải đấu này.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã có mặt tại Nepal vào chiều 3-4 nhằm chuẩn bị cho vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024 khu vực châu Á.