Hàng chục năm qua tin tức về chiến sự, các vụ tấn công tự sát, bom xe, bắt cóc, đòi tiền chuộc, giết hại con tin... là rào cản thép chặn đứng mong muốn của bất kỳ ai định đi du lịch Afghanistan, quốc gia như là giao lộ châu Á chìm ngập trong triền miên chiến tranh.
Afghanistan: Mạo hiểm và quyến rũ
Sẽ là không thật lòng nếu nói tôi "chẳng sợ gì" khi đến Afghanistan. Tôi ý thức sự mạo hiểm khi đến những vùng đất thuộc dạng "du lịch u ám" (dark tourism - đến những địa điểm từng diễn ra sự kiện bi kịch, thảm họa hay chết chóc của nhân loại).
Thế nhưng chính niềm thôi thúc mắt thấy tai nghe phong cảnh, cuộc sống, văn hóa và con người ở xứ sở Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ (hai quyển tiểu thuyết của nhà văn gốc Afghanistan Khaled Hosseini) khiến tôi lên đường với trái tim và đôi mắt rộng mở.
Quan trọng hơn, khao khát cảm nhận cận cảnh, thực tế về Afghanistan ở thời điểm một năm rưỡi kể từ khi Taliban nắm quyền vốn tạo rất nhiều luồng thông tin trái chiều khác nhau khiến tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Kabul trong tâm trạng khó tả.
Nhà ga quốc tế ở sân bay Kabul khá nhỏ và giản dị. Sau khi được đóng dấu nhập cảnh nhanh chóng mà không có bất kỳ câu hỏi nào từ nhân viên hải quan, tôi bước qua bên sảnh băng chuyền nhận hành lý ký gửi thì bất ngờ bị ai đó gọi giật ngược từ sau lưng.
Thì ra tất cả người nước ngoài đến đây còn phải làm thêm một thủ tục bắt buộc nữa là điền vào tờ đăng ký các thông tin cơ bản (không mấy khác với rất nhiều quốc gia khác), dán lên đó một ảnh chân dung 3x4. Sau đó, tôi lại được lệnh tự điền thông tin lên một tấm giấy cứng to hơn danh thiếp một chút và cũng lại dán thêm một ảnh 3x4.
Tấm giấy này được nhân viên sân bay đóng mộc hẳn hoi rồi trả lại, có giá trị giúp tôi có thể đi lại ở Kabul!
Khi tôi bước ra ngoài, hoàng hôn chỉ còn le lói góc trời. Phía trước khu vực nhà ga quốc nội và cổng ra vào sân bay có một mô hình máy bay lớn nằm trong một đại cảnh tượng đài đính bản đồ quốc gia cách điệu cùng bốn mặt đồng hồ tròn chỉ giờ địa phương, giờ Thổ Nhĩ Kỳ, giờ UAE...
Ngoài ra bao bọc tượng đài còn có dãy hộp chữ dựng đứng cao quá đầu người: "I <3 AFGHANISTAN" (Tôi yêu Afghanistan) chắc dành cho những ai thích chụp điện thoại kiểu tự sướng sẽ thích.
Bất giác tôi nở một nụ cười khi được đặt chân đến một vùng đất mới, một quốc gia mới đặc biệt: "Salaam Afghanistan!" (Chào Afghanistan!).
Ấn tượng phố phường sạch sẽ
Taxi ở Kabul sơn màu vàng mỡ gà ở phần đầu và đuôi, cửa trắng. Sau khi thỏa thuận, một bác tài xế có dáng vẻ đầy mệt mỏi đồng ý chở về nhà trọ ở trung tâm Kabul với giá 300 AFN (90.000 đồng) cho quãng đường 12km.
Phí thì khá rẻ, nhưng leo lên xe ngồi rồi tôi mới chột dạ làm sao khi thấy kính chắn gió phía trước có nhiều đường nứt rạn loằng ngoằng khá ớn lạnh vì không biết nó sẽ vỡ toang lúc nào.
Về sau tôi còn thấy rất nhiều taxi ở Kabul kính trước đều bị nứt nguy hiểm như vậy mà bác tài vẫn không thay mới. Khi tôi kéo dây định thắt an toàn thì bác tài bỗng xua tay không cần và còn gầm gừ lên một tràng tiếng địa phương.
Xe băng qua vài trạm gác có các tay súng đứng canh rồi trổ ra vòng xoay bùng binh nơi có tòa nhà Stars Palace đèn điện sáng choang sang trọng. Nhiều bức ảnh chụp thời điểm một năm rưỡi trước đây cho thấy khu vực bùng binh này chính là nơi mà hàng chục ngàn người Kabul ùn ùn đổ đến để ra sân bay tìm cơ hội di tản khiến đường phố tắc nghẽn nghiêm trọng.
Nhiều người bỏ cả xe hơi lại để chạy loạn đua với thời gian khi lực lượng Taliban đã tiến vào Kabul. Bây giờ, bùng binh cửa ngõ ra vào sân bay Kabul này đã bình thường, dù luôn tấp nập lưu lượng xe qua lại san sát nối đuôi như vòng xoay Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, TP.HCM) giờ cao điểm.
Những trục đường chính ở Kabul được tráng nhựa khá tốt, dãy ngăn ở giữa hai làn xe ngược chiều trồng những hàng thông cao. Các con phố nhỏ cũng có chất lượng mặt đường "phẳng lì" và khá sạch sẽ. Hai bên vỉa hè, lòng lề đường được lót gạch tổ ong, con sâu, gạch vuông hoặc đổ xi măng tươm tất và gần như không hề có rác!
Ấn tượng về sự sạch sẽ của phố phường Kabul trên bình diện rộng khắp làm khách du lịch như tôi không khỏi ngạc nhiên lẫn có phần thán phục với một quốc gia mà chiến tranh nối tiếp chiến tranh.
Xe hơi là phương tiện chính ở thủ đô với số lượng khoảng nửa triệu chiếc. Ngoài một phần xe sang hoặc mới thì 90% là xe Toyota Corolla đời cũ từ thập niên 1990, nội thất tồi tàn và số km đã đi vượt mốc 200.000km. Xe có tay lái thuận hay nghịch đều chạy cùng nhau trên đường.
Cảnh kẹt xe hoặc các phương tiện đều phải di chuyển rất chậm chạp là "đặc sản" thường ngày tại khu trung tâm hành chính và khu chợ trời lớn nhất Kabul, kể cả những đoạn có bốn hay sáu làn xe. Tuy vậy, mọi xe đều chạy khá kiên nhẫn và tương đối trật tự.
Thành phố cũng có những chiếc xe máy nhiều loại, phần lớn là loại 125 phân khối bình xăng to đùng phía trên giữa tay lái và yên xe. Tôi thấy cả người lái lẫn người ngồi sau chẳng ai mang mũ bảo hiểm. Mỗi lần trông họ luồn lách băng qua các dãy xe hơi san sát cứ như xem xiếc vậy.
Nhiều cụ già hoặc các thanh thiếu niên choai choai là thành phần chạy xe đạp chủ yếu ở Kabul. Loại xe đạp phổ biến nhất là sườn ngang, hay được dựng xe cố định trên phố khéo léo theo kiểu đặt nửa bánh trước lọt thỏm vào rãnh cống nhỏ giữa mặt đường và vỉa hè.
Thỉnh thoảng trên đường phố tôi thấy những người chồng rạp lưng đèo vợ đang ôm eo trên xe đạp. Có người cha chở cô con gái nhỏ... đứng trên yên xe sau, hai tay bé vịn chặt vai bố rất tình cảm. Đó là những hình ảnh lãng mạn và ấm áp ở một thành phố chứa 5 triệu người (12% dân số cả nước) sau quá nhiều biến cố lẫn đầy thách thức phải đối mặt như Kabul.
Lúc máy bay sang Kabul bắt đầu hạ độ cao, những dãy núi đỏ au hiện ra vây bọc lấy thủ đô nằm giữa vùng thung lũng vẫn cao khoảng 2.000m so với mực nước biển này, bất giác tôi nhớ dân du lịch hay nói về những chuyến đi thuộc loại "duy nhất một lần trong đời".
Đến Afghanistan - đất nước vừa trải qua hàng chục năm chiến tranh, nội chiến triền miên, là nơi các phe phái khủng bố cực đoan ẩn náu, các vụ đánh bom liều chết đẫm máu, gây tranh cãi về quyền trẻ em và phụ nữ... là chuyến đi như thế.
-----------------------------------
Người dân Kabul có tốc độ khá nhanh ngoài phố, như thể ai cũng vội vã với công việc mưu sinh thường ngày. Còn du khách như tôi vì lý do cẩn trọng và an toàn cũng "đi nhanh, nói khẽ" khi ra ngoài đường.
Kỳ tới: Đi nhanh, nói khẽ, lặng lẽ trên phố Kabul
Sáng ngày đầu tuần ở thủ đô Islamabad, tôi tìm đến Đại sứ quán Afghanistan do phái đoàn ngoại giao của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan tại Pakistan phụ trách.
Xem thêm: mth.19625550131403202-natsinahgfa-oahc-nix-maalas-3-yk-nabilat-ioht-natsinahgfa-ned/nv.ertiout