Chỉ số VN-Index trong phiên sáng nay tăng nhẹ 1,09 điểm tương ứng 0,1% lên 1.070,55 điểm trong khi đó HNX-Index dừng ở mốc tham chiếu 212,34 điểm. UPCoM-Index nhích nhẹ 0,27 điểm tương ứng 0,34% lên 79,08 điểm. Xu hướng giao dịch trên thị trường vẫn giằng co.
Thanh khoản đạt 341,34 triệu cổ phiếu tương ứng 5.844,17 tỷ đồng trên HoSE và đạt 39,53 triệu cổ phiếu tương ứng 545,83 tỷ đồng trên HNX.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá với 401 mã tăng, 26 mã tăng trần so với 313 mã giảm, 23 mã giảm sàn.
Cổ phiếu các nhóm ngành trên thị trường hầu hết phân hóa, trong đó, nhiều mã cổ phiếu tăng do có câu chuyện riêng, nhóm còn lại chịu áp lực chốt lời. Ví dụ, trong ngành bất động sản, NLG tăng 5,7%; NVL tăng 5,3%; D2D tăng 3,4%; SZC tăng 3,4%; HDC tăng 3,2%.
Đáng chú ý, NVL có lúc tăng trần lên 15.150 đồng. Mã này trong phiên hôm qua cũng đã tăng trần trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư khi chuyển màu từ "đỏ" sang "tím" kể từ sau 14h. Tính trong một tuần trở lại đây, NVL đã tăng hơn 16% và tăng tới hơn 40% chỉ trong một tháng.
Cổ phiếu NVL tăng mạnh sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Thuận truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc các dự án của Novaland tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ công tác làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn Novaland theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15/4.
Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng ngày 17/2 ông Bùi Thành Nhơn đề nghị Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Novaland cho biết đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý. Nếu vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.
Trong phiên sáng nay, tuy cùng ngành bất động sản nhưng không phải mã nào cũng diễn biến thuận lợi. TIX giảm sàn; LEC giảm 5,1%; LDG giảm 2,5%; NVT giảm 2,1%; HQC giảm 2%; DIG giảm 2%; NBB giảm 1,4%.
Tương tự, tại ngành xây dựng và vật liệu, nếu TCD tăng 4,3%; TGG tăng 3,4%; VNE tăng 3,4%; C32 tăng 2,1%; C47 tăng 1,8% thì NAV giảm 6,6%; HU1 giảm 6,5%; EVG giảm 2,5%; DXV giảm 2,3%. Các ông lớn như FTD, NHA, FCM, CII, CTI đều giảm giá.
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính sau khi đạt được đà tăng tích cực thì phần lớn đang chịu áp lực điều chỉnh. CTS giảm 3,1%; BSI giảm 2,7%; AGR giảm 2,3%; FTS giảm 1,9%; VCI giảm 1,4%; HCM giảm 1,2%; SSI giảm 1,1%.
Tại dòng cổ phiếu ngân hàng, OCB, MBB, CTG, BID, VPB, TCB, VCB giảm nhẹ, trong khi SHB lại tăng 3,4%; EIB tăng 2,6%; VIB tăng 1,4%; STB tăng 1,3%.