Theo dữ liệu được Dân trí thống kê, năm 2022, hàng loạt doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo thua lỗ. 2022 cũng năm hàng loạt nhà đầu tư điện tái tạo "điêu đứng" vì chưa có khung giá điện mới và dịch Covid-19.
Doanh nghiệp điện tái tạo lỗ hàng trăm tỷ đồng
Trong hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo công bố các chỉ tiêu tài chính năm 2022 trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có những cái tên ghi nhận lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Công ty cổ phần đầu tư Năng lượng Nam Phương - doanh nghiệp chuyên về sản xuất, truyền tải và phân phối điện - năm 2022 vừa rồi ghi nhận số lỗ hơn 372 tỷ đồng trong khi năm liền trước vẫn lãi 1,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp mới được thành lập từ năm 2018, có trụ sở tại TPHCM.
Hàng loạt cái tên khác năm 2021 cũng báo lãi song đến 2022 lại thua lỗ tính theo con số hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, Công ty cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa Số Một năm 2021 lãi 7 tỷ đồng nhưng đến năm 2022 lỗ 209 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phong Điện Ia Pết Đak Đoa Số Hai năm 2021 lãi 4,5 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 201 tỷ đồng; Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Đại Dương năm 2021 lãi 2,1 tỷ đồng nhưng năm 2022 lỗ tới 154 tỷ đồng.
Một số đơn vị khác cũng ghi nhận số lỗ hàng chục tỷ đồng như Công ty cổ phần Phong điện Yang Trung lỗ 91 tỷ đồng, Công ty cổ Phần Đầu tư Năng Lượng Hoàng Sơn 2 lỗ 66,4 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1 lỗ 60,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Ninh Thuận lỗ 22,7 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp dù có lãi trong năm 2022 nhưng mức lãi lại "đi lùi" so với năm liền trước.
Cụ thể, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh lãi 112,5 tỷ đồng, trong khi năm liền trước lãi 114 tỷ đồng; Công Ty TNHH Đầu Tư Và Phát Triển Điện Mặt Trời Kn Vạn Ninh lãi 748 triệu đồng trong khi năm 2021 lãi 33,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2 lãi 3,48 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi 5,38 tỷ đồng.
Có doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh song thực chất vẫn lỗ như Công ty cổ phần Điện gió Bắc Phương lỗ 7,19 tỷ đồng năm 2022 còn năm 2021 lỗ 25,3 tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn Bamboo Capital - đơn vị đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam - năm vừa rồi lãi 546 tỷ đồng, tức chỉ hoàn thành 24,8% kế hoạch về lợi nhuận. Theo đại diện công ty, mảng năng lượng tái tạo có nhiều biến động về chính sách là một trong những lý do ảnh hưởng tới tiến độ các dự án của công ty, khiến kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Dự án không kịp vận hành thương mại, "cõng" nợ ngân hàng
Khó khăn của loạt doanh nghiệp điện năng lượng diễn ra trong bối cảnh năm 2022 ngành điện đối diện với nhiều thách thức từ dịch Covid-19 như cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực. Việc chưa có cơ chế mới và sự phát triển ồ ạt các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã khiến nguồn cung dư thừa, dẫn tới việc phải cắt giảm công suất. Điều này khiến các chủ đầu tư làm điện năng lượng tái tạo gặp khó.
Với những dự án năng lượng gió - vốn được cho là có nhiều ưu đãi hơn về chính sách - cũng lao đao khi hàng chục dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để hưởng cơ chế hỗ trợ.
Trao đổi với Dân trí, giám đốc một công ty dịch vụ xây lắp có trụ sở tại TPHCM - đã thực hiện lắp đặt thi công cho hàng chục công trình điện mặt trời lớn, nhỏ ở nhiều tỉnh thành phía Nam - cho biết năm 2022 vừa rồi, nhiều chủ đầu tư làm điện mặt trời đã phải thanh lý chính máy móc, thiết bị đã đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng để có tiền trả nợ ngân hàng.
Thực tế, nguồn vốn huy động của các ngân hàng thường là ngắn hạn, song vòng đời của dự án lại dài hạn, từ 5 đến 15 năm. Các chủ đầu tư khi vay vốn ngân hàng có thể vay 70-85% tổng mức đầu tư, nên áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án hàng tháng là rất lớn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm tới 47%.
Những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm vừa rồi cũng khiến doanh nghiệp vừa đối mặt với khủng hoảng khi một mặt không huy động được tiền, mặt khác phải mua lại trái phiếu trước hạn trong khi dự án không có dòng tiền về.
Phó chủ tịch điều hành một doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tái tạo - có tổng mức đầu tư vào lĩnh vực này khoảng 17.000 tỷ đồng - chỉ khó khăn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo năm vừa rồi, có thể kể đến việc thiếu khung chính sách dài hạn cho phát triển năng lượng tái tạo.
"Chúng ta có Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị và Đề án Quy hoạch điện 8 đưa ra định hướng về phát triển năng lượng tái tạo. Chúng ta cũng nhìn thấy năng lượng tái tạo được Chính phủ hỗ trợ rất lớn trong thời gian vừa rồi. Tuy nhiên, việc chậm đưa ra những chính sách về Quy hoạch điện 8 và chính sách giá chuyển tiếp cho các dự án đã xây dựng hoàn thành trên mốc tính giá điện theo Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển dự án điện gió đã gây ra những khó khăn lớn cho doanh nghiệp", vị lãnh đạo nói với phóng viên về những khó khăn doanh nghiệp điện năng lượng gặp phải trong năm 2022.
"Doanh nghiệp khi đầu tư đã có lộ trình nhưng có những lý do khách quan khiến lộ trình bị trễ, ví dụ như công tác giải phóng mặt bằng không đúng hạn, khủng hoảng về logistic…", ông nói thêm.
Theo vị này, những khó khăn trên thị trường Việt Nam năm vừa rồi về điện năng lượng tái tạo chủ yếu về pháp lý, thời hạn của Hợp đồng mua bán điện mặt trời (PPA) cũng như khả năng giải tỏa công suất.
"Đây là đặc thù riêng của thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, mức giá điện mua của EVN cần thể hiện những đặc thù đó để đảm bảo nhà đầu tư sẽ có một mức lợi nhuận hợp lý khi đầu tư vào lĩnh vực này", vị này nhấn mạnh.
Nguy cơ nợ xấu 58.000 tỷ đồng từ 34 dự án
Dựa trên những tính toán từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định số 21 ngày 7/1/2023, sau một thời gian dài các dự án rơi vào đình trệ.
Điều này được cho là những tín hiệu giải cứu đầu tiên cho các nhà phát triển năng lượng, khi các dự án đã bị đình trệ một khoảng thời gian dài sau khi giá FIT hết hạn. Khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn từ 21-29% so với cơ chế giá FIT.
Tuy nhiên, khung giá mới cũng phần nào gây hụt hẫng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo.
*Khung giá điện năng lượng chuyển tiếp ban hành ngày 7/1/2023 (Đơn vị: đồng/kWh)
Phương án chính thức | Phương án EVN | Giá FIT quy đổi | Thay đổi so với giá FIT | |
Điện mặt trời mặt đất | 1.184,9 | 1.188,0 | 1.680,0 | -29,5% |
Điện mặt trời nổi | 1.508,3 | 1.569,8 | 1.823,0 | -17,3% |
Điện gió trên bờ | 1.587,1 | 1.590,9 | 2.015,0 | -21,2% |
Điện gió ngoài khơi | 1.816,0 | 1.944,9 | 2.323,0 | -21,8% |
Theo các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VNDirect, với khung giá này, không phải dự án nào cũng ghi nhận được mức sinh lời hiệu quả bởi sẽ làm giảm đáng kể IRR (tỷ suất hoàn vốn nội bộ - thể hiện tỷ lệ lợi nhuận hàng năm dự kiến thu được) của các dự án này.
Cụ thể, IRR của các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ đạt 5,1%, trong khi đó, IRR của điện gió trên bờ và gần bờ sẽ giảm xuống lần lượt là 8% và 7,9% từ mức hơn 12% theo giá FIT cũ.
Còn theo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), mặt bằng giá mới giảm quá sâu sẽ dẫn đến dòng tiền và lợi nhuận âm, không đủ chi trả cho các khoản chi phí hoạt động, nhất là chi phí lãi vay và nợ gốc trong cùng kỳ theo năm tài chính.
Theo đó, tổng chi phí lãi vay và nợ gốc trong kỳ lên tới gần 10.000 tỷ đồng trong khi đó EBITDA chỉ đạt quanh mốc 9.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có dòng tiền âm trung bình hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng chưa kể đến các chi phí khác như sửa chữa và bảo dưỡng, trượt giá, thuế và lạm phát.
Mới đây, 36 doanh nghiệp cùng Hiệp hội điện gió và điện mặt trời Bình Thuận cũng đã ký văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong xây dựng khung giá mới này.
Các nhà đầu tư chỉ ra khả năng lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản, đồng thời lo ngại cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định chính sách phát triển năng lượng sạch cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính - ngân hàng.
Theo tính toán, ngân hàng có thể đối mặt nguy cơ nợ xấu 58.000 tỷ đồng từ 34 dự án điện gió, điện mặt trời.
Khung giá điện mới: Phép thử cần thiết?
Các chuyên gia từ ACBS lưu ý trong bối cảnh vẫn lãi suất đang ở mức cao như hiện nay, cùng tỷ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt về dài hạn, mô hình tài chính không ổn định và đảm bảo sinh lợi đầu ra sẽ rất khó khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cam kết giảm phát thải carbon ròng bằng 0 vào 2050 như các cam kết của Chính Phủ tại COP26 & 27.
Dù vậy, các chuyên gia VNDirect vẫn cho rằng khung giá điện mới là "phép thử cần thiết" để Bộ Công thương có cơ sở đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá mới một cách cẩn thận và hợp lý.
Theo đó, với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26 cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo Quy hoạch điện 8 - nâng cao tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.
"Doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu tư và lãi vay để tăng hiệu quả sinh lời với khung giá mới", các chuyên gia của công ty chứng khoán trên đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp điện năng lượng trong năm 2023.