Ngày 13.4, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên giải trình về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh này.
Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa báo cáo về thực trạng nợ đọng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh cũng như giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới.
Theo đó, giai đoạn 2020 - 2022, Thanh Hóa có 17 đơn vị hành chính, sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm từ 2 tháng trở lên, với tổng số tiền 4,6 tỉ đồng. Trong đó một số đơn vị có số tiền chậm đóng lớn, thời gian kéo dài, như: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Thanh Hóa chậm đóng 25 tháng, với 2,6 tỉ đồng; Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chậm đóng 12 tháng, với 317 triệu đồng; Đội đảm bảo giao thông H.Triệu Sơn chậm đóng 19 tháng, với 498 triệu đồng…
Khối doanh nghiệp và hợp tác xã có 2.252 đơn vị đang hoạt động, trong đó rất nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền lên tới 314,1 tỉ đồng, khiến quyền lợi của 40.144 người lao động bị ảnh hưởng.
Một số doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài, như: Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort chậm đóng 22 tháng, với số tiền 18,8 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa chậm đóng 79 tháng, với 15,4 tỉ đồng; Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 4 chậm đóng 55 tháng, với 9,2 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV JLG Vina chậm đóng 31 tháng, với 4 tỉ đồng…
Đáng chú ý, cho đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, hoặc chủ bỏ trốn nhưng chưa thực hiện việc đóng bảo hiểm, với tổng số tiền 121,2 tỉ đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tám, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm như trên là do ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm của người sử dụng lao động chưa nghiêm, chây ỳ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp bảo hiểm; một bộ phận người lao động sợ mất việc, nhận thức hạn chế, e dè không dám đấu tranh nên bị chủ sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm...
Nhiều đại biểu đặt vấn đề, thực trạng nợ bảo hiểm kéo dài, năm sau cao hơn năm trước, ngành bảo hiểm và các đơn vị liên quan làm thế nào để xử lý dứt điểm. Đối với 520 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn, có giải pháp gì để thu hồi tiền...
Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc BHXH Thanh Hóa và lãnh đạo một số đơn vị liên quan đã nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm. Thời gian tới BHXH tỉnh Thanh Hóa, Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, và các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ hơn để đốc thúc thu tiền bảo hiểm chậm đóng, nợ đọng.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ nghiên cứu các giải pháp để hoàn thiện chương trình hành động, nỗ lực giải quyết tình trạng chậm đóng bảo hiểm.
Kết luận phiên giải trình, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các sở, ngành, chính quyền các cấp tập trung quyết liệt hơn nữa giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến tình trạng chậm đóng bảo hiểm.
Riêng ngành BHXH cần chỉ đạo toàn diện để giải quyết việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm và có trách nhiệm giải quyết các vấn đề khiếu kiện của người dân. Đồng thời, lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc cố tình không đóng bảo hiểm để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Hưng cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, UBND tỉnh và chính quyền cấp huyện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả trong quá trình xử lý tình trạng chậm đóng bảo hiểm; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị hành chính sự nghiệp để xảy ra tình trạng chậm đóng bảo hiểm.