Hôm qua (12.4), UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã ra văn bản chấp thuận gia hạn 4 mỏ đất đắp (cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp) trên địa bàn H.Xuân Lộc và H.Cẩm Mỹ (đều thuộc Đồng Nai) phục vụ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây theo đề xuất của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các đơn vị được khai thác 4 mỏ đất đắp trên phải rà soát, xác định khối lượng đất còn lại, khối lượng đất mặt đã thu gom phục vụ hoàn thổ sau khi ngưng thu hồi vật liệu san lấp (đến ngày 30.4).
Ngoài ra UBND tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện phương án sau khi được gia hạn, xác định rõ mốc thời gian hoàn thiện cải tạo đất, san gạt theo hiện trạng, tiến hành hoàn thổ, cải tạo đất theo phương án đã được chấp thuận.
Trước đó, năm 2022 Đồng Nai đã cấp phép 4 mỏ đất trên cho các đơn vị liên quan được khai thác đất nhằm phục vụ đất đắp cho dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây để phục vụ cho dự án. Thời hạn đến ngày 31.12.2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu hụt nguồn đất đắp, nhiều hạng mục như cầu vượt, đường ngang dân sinh thuộc địa phận Đồng Nai chưa thể triển khai thi công.
Bộ GTVT sau đó đã có văn bản gửi đến Chính phủ kiến nghị gia hạn các mỏ đất nói trên để phục vụ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo tính toán của Bộ GTVT, hiện dự án cần khoảng 620.000 m3 đất đắp. Nếu không được gia hạn khai thác thì dự án không thể hoàn thành vào ngày 30.4 như kế hoạch.
Đến ngày 24.3, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ GT-VT, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giải quyết vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua Bình Thuận dài 47,7 km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,3 km. Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp, có 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh, dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 30.4.