Đây là cuộc gặp đầu tiên như vậy kể từ năm 2016 để giải quyết các lĩnh vực hợp tác chính về quân sự và kinh tế chính trị đang diễn ra giữa hai nước.
Chiến lược phòng thủ
Cùng lúc, hơn 17.500 binh sĩ Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự Balikatan (Vai kề vai) tại Philippines. Đây là cuộc tập trận thường niên lớn nhất và phức tạp nhất trong vòng 38 năm qua, trong đó phía Mỹ sẽ sử dụng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và cả tập đánh chìm một tàu cá dài 60m.
Hai sự kiện cùng diễn ra trong bối cảnh khu vực đang nóng lên khi Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan vào thứ bảy (8-4) sau khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn trở về từ cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở Los Angeles (Mỹ).
Sau đó, vào thứ ba (12-4) truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hải quân nước này tiếp tục "huấn luyện chiến đấu thực tế" quanh đảo Đài Loan, chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố kết thúc tập trận.
Mối e ngại từ Philippines cũng có cơ sở khi điểm gần nhất giữa Đài Loan và Philippines chỉ cách nhau khoảng 159km, có nghĩa những xung đột giả định xảy ra ở Đài Loan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Còn đối với Mỹ, Philippines có thể là căn cứ hậu cần quan trọng cho một kịch bản tồi tệ ở hai bên bờ eo biển đảo Đài Loan.
Vào tuần trước, Chính phủ Philippines vừa tiết lộ địa điểm của bốn căn cứ bổ sung (nâng tổng số lên chín căn cứ) cho Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA).
Đây là hiệp ước được ký năm 2014 cho phép Washington tài trợ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị bố trí và luân chuyển lực lượng thông qua các căn cứ quân sự được lựa chọn ở Philippines. Hai trong số đó là ở tỉnh Cagayan, cách Đài Loan chưa đầy 320km.
Manila đổi cách tiếp cận
Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan không phải là điểm chính khiến Philippines xích lại gần Mỹ hơn thời gian qua, mà chính là lợi ích của Philippines ở khu vực Biển Đông khi Manila tuyên bố sẽ theo đuổi các nỗ lực cùng Washington hướng tới "phòng thủ tập thể" cho khu vực quanh Biển Đông đang xảy ra tranh chấp.
Chính sách gần đây của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. với Mỹ đã thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte - người đã tìm kiếm quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc thay vì Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Duterte đã không mang lại bất kỳ tiến bộ hay lợi ích rõ rệt nào cho Philippines, trong khi Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế vào năm 2016 có lợi cho Manila ở Biển Đông.
Có lẽ ông Bongbong Marcos học được nhiều từ "kỳ vọng không đúng chỗ" của ông Duterte. Chỉ một năm sau khi đắc cử, ông Marcos đang im lặng cứng rắn dần lên với Trung Quốc.
Trong nhiều năm qua, ngư dân Philippines than phiền các tàu cỡ lớn của Trung Quốc thuộc về "chiến thuật vùng xám" - sử dụng các tàu bán quân sự "núp bóng" tàu cá, tàu ngư chính để xua đuổi, quấy rối và hăm dọa họ ở các ngư trường truyền thống trên Biển Đông.
Do đó, chín căn cứ mà Mỹ có thể tiếp cận theo EDCA là một phần phản ứng của Philippines đối với hành vi của Trung Quốc khi các căn cứ này không chỉ nhìn lên điểm nóng Đài Loan mà còn trông ra khu vực Biển Đông.
Trong cuộc gặp 2+2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhắc lại Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines, được ký năm 1951, "vẫn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi", và nhấn mạnh hiệp ước áp dụng cho các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào lực lượng vũ trang hoặc tàu công vụ của một trong hai nước ở bất kỳ đâu trên Biển Đông.
Tuyên bố này mang hàm ý bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các tàu tuần duyên của Philippines ở Biển Đông cũng có thể kích hoạt các điều khoản Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Dĩ nhiên, thông điệp này nhằm cảnh báo trước chiến thuật vùng xám mạnh mẽ của Trung Quốc và bảo vệ các lực lượng Philippines trên Biển Đông.
"Thanh gươm và ổ bánh mì"
Cuộc họp 2+2 này không chỉ là chủ đề quân sự quốc phòng mà còn kinh tế chính trị. Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại cam kết của Mỹ đối với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), trong đó Philippines là một đối tác đàm phán quan trọng.
Ông Blinken tuyên bố hai nước sẽ hợp tác để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như giúp đỡ Philippines về các vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Ngoài các chủ đề như hợp tác an ninh lương thực, Mỹ cũng cam kết giúp Philippines phát triển kinh tế cho các cộng đồng ở gần những căn cứ hợp tác quân sự. Đây được coi là cách người Mỹ "lấy lòng" dân địa phương ở khu vực mà lực lượng quân sự của họ tiếp cận.
Tóm lại, cuộc gặp 2+2 sau nhiều năm gián đoạn giữa đồng cấp cả bên quốc phòng và ngoại giao thay vì 1+1 là một minh chứng cho cách tiếp cận "thanh gươm và ổ bánh mì" mà Mỹ và Philippines thấy rằng cần phải đi "tay trong tay".
Tổng thống Marcos vẫn còn rất nhiều năm trong nhiệm kỳ để chứng minh cho cách tiếp cận mới của mình trong chính sách đối ngoại có thành công hay không.
Ngày 11-4, Philippines và Mỹ khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất chưa từng có của họ, khi hai nước tìm cách đối phó các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Xem thêm: mth.20553937041403202-uahn-nag-ial-hcix-ihp-ym-oas-iv/nv.ertiout