Trung Quốc từ chối ‘bật đèn xanh’ cho Nga
Nga là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng đối với Trung Quốc trong nhiều năm qua. Các dự án của Nga, trong đó có dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt quy mô lớn ở Siberia, đã giúp duy trì hoạt động cho trung tâm công nghiệp Trung Quốc và phục vụ chiến lược đa dạng hóa năng lượng của Nga.
Moscow từ lâu đã tìm cách thúc đẩy dự án đường ống dẫn quy mô lớn kéo dài về phía nam qua dãy Altai ở tây Siberia, có khả năng vận chuyển khoảng 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm đến Trung Quốc.
Nếu được phát triển, dự án đường ống này [gọi là Power of Siberia 2] sẽ củng cố mối quan hệ năng lượng giữa Nga-Trung, đồng thời mở đường cho một tương lai kinh tế ngày càng gắn kết giữa hai nước.
Tuy nhiên, có một vấn đề là: Moscow vẫn chưa thể thuyết phục được Bắc Kinh tham gia. Ngay cả khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đó là “thỏa thuận thế kỷ” của mình thì Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn không đề cập tới dự án Power of Siberia 2 trong cuộc gặp giữa hai phía hồi tháng trước.
Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu trực thuộc Đại học Columbia, cho biết phía Nga đã chuẩn bị “mọi thứ”, từ các tài liệu về dự án cho tới những nghiên cứu khả thi liên quan.
“Việc bật đèn xanh cho dự án này hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng điều đó đã không diễn ra” – Chuyên gia Mitrova cho hay.
Sự bất đồng trong cuộc hội đàm về dự án Power of Siberia 2 đã làm nổi bật tình trạng bất cân xứng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc.
Nga đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng mua năng lượng ở phương Đông từ 1 thập kỷ trước và nhu cầu tìm kiếm này đã trở nên cấp thiết hơn sau khi phương Tây áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Trong bối cảnh Nga bị cắt thị phần ở các thị trường phương Tây, giới chuyên gia cảnh báo rằng Moscow đang tự đào cho mình một chiếc hố sâu khi phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc này cho phép Bắc Kinh ở “cơ trên” trong việc đưa ra các điều kiện và thỏa thuận giá cả.
Ông Alexandra Prokopenko, một cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
“Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga, đó là thực tế” – Ông Prokopenko nói.
Trong năm 2022, có giai đoạn tổng giá trị giao dịch thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow tăng vọt hơn 30%, lên gần 190 tỷ USD do Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu thô từ Nga.
Theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn Cầu trực thuộc Đại học Columbia, ngoài dầu thô, Moscow còn là nhà cung cấp dầu than và khí đốt lớn thứ hai cho Bắc Kinh trong năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi đối mặt với các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây và không có nhiều lựa chọn khác, Nga đã phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc.
Nước này đánh giá Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia có sức nặng và sức mạnh trên thị trường để giúp mình duy trì nền kinh tế. Yếu tố đó về sau đã đưa Bắc Kinh chiếm thế thượng phong trong quá trình đàm phán các thỏa thuận và hợp đồng. Tiêu biểu, tháng 11/2022, các khách hàng từ Trung Quốc đã có thể mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu lên tới gần 40%.
“Trung Quốc là bên có thể áp giá và đưa ra các điều kiện. Lãnh đạo Nga hiểu rõ điều này nhưng họ không có nhiều lựa chọn” – Chuyên gia Prokopenko nhận định.
Không ‘bỏ hết trứng vào một giỏ’
Có rất nhiều lý do khiến Trung Quốc trì hoãn dự án đường ống khí đốt Power of Siberia 2. Hiện tại, nước này đang nhận được nhiều khí đốt hơn qua các tuyến vận chuyển đường biển. Trong khi đó, đường ống đi qua dãy Altai lại vận chuyển khí đốt qua một số điểm không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, bằng cách trì hoãn dự án Power of Siberia 2, Trung Quốc đang tận dụng tối đa thế bất đối xứng giữa hai phía để đàm phán các điều khoản và giá cả có lợi nhất cho mình.
Tín hiệu này cũng cho thấy Trung Quốc đang cảnh giác với việc đầu tư thêm vào nguồn cung năng lượng từ Nga trong dài hạn.
Các dự án xây dựng đường ống thường là những dự án dài hơi và tốn thời gian, có thể bị đình trệ trong nhiều năm tới. Trung Quốc rất hài lòng khi mua được dầu giảm giá của Nga, nhưng nếu cần, nước này có thể thay thế nguồn cung. Trong khi đó, nếu tham gia vào các dự án đường ống dẫn thì khó lòng rút khỏi.
Giới chuyên gia cho biết, do đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn cung nên Trung Quốc còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Australia, Qatar và Malaysia ở mức lớn hơn so với lượng nhập từ Moscow.
“Một dấu hiệu nổi bật trong cách tiếp cận của Trung Quốc là không quá phụ thuộc vào bất cứ nhà cung cấp nào. Họ không đặt tất cả trứng vào giỏ của Nga và đang tìm kiếm những nguồn cung khác nữa” - Erica Downs, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu cho hay.
Về phần mình, Nga vẫn đang cố gắng mở rộng quan hệ đối tác ngoài Trung Quốc. Nước này đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều quốc gia vẫn tăng cường quan hệ năng lượng với Nga trong năm qua. Tuy nhiên, thị trường của họ không lớn bằng Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn là “người chơi” lớn nhất và theo giới chuyên gia, sự phụ thuộc của Nga vào Bắc Kinh có lẽ sẽ tăng lên trong tương lai gần.