vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề tìm 'ông sửu' giữa đại ngàn

2023-04-14 09:52
Nghề tìm ông sửu giữa đại ngàn - Ảnh 1.

Pang Ting Pling nghỉ chân, nướng cá ăn trên đường tìm trâu - Ảnh: YẾN TRINH

Độc đáo là những "chuyên gia" này biết cách phân biệt trâu nào cần tìm và... giao thịt thành phẩm hoặc lành lặn nguyên con về cho chủ nhân.

Sáng sớm, Pang Ting Pling (41 tuổi, ngụ thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) đeo ủng, gùi theo nước uống, cá suối khô, dắt con dao đi rừng... rồi gửi xe máy ở khu rẫy cách nhà chừng chục cây số. Từ đây, Pling đi bộ xuyên qua những tán cây thâm u để tìm chú trâu tên Ven của một hộ dân thôn B’nớ C.

Có khi trâu đực cũng tách đàn đi lẻ hoặc nhập vào đàn khác nên tìm được chúng không dễ. Trâu đực lại rất mạnh, không cẩn thận sẽ bị chúng húc. Ở làng cũng có người từng bị húc, phải nằm viện.

Anh PANG TING PLING

Rải muối tìm trâu

"Từ hồi học cấp III, tôi đã theo cha đi tìm trâu. Lúc đó, nhà cũng thả trâu trong rừng cho chúng tự sinh tự dưỡng. Tôi đã học cách nhận biết qua hình dáng sừng, dấu chân... Trong buôn hay nhờ cha tìm trâu giúp", người đàn ông của núi rừng trải lòng khi nghỉ chân dưới tán rừng thưa, đốt lửa nướng mớ cá chuẩn bị bữa trưa.

Cha Pling giờ tuổi đã cao, mắt đã mỏi, cái chân không leo qua núi băng qua rừng được nữa. Khắp cái thị trấn dưới chân đỉnh Lang Biang quanh năm lạnh giá này chỉ còn anh và vài người vẫn giữ nghề tìm bắt trâu thuê mà cha ông truyền lại.

Gió lạnh trải trên đồi thông. Từ đây nhìn theo hướng tay anh chỉ, kẻ ngoại đạo như chúng tôi chỉ thấy sự xa hút của hành trình tìm trâu. Vừa gỡ mấy con cá trắng đã cháy sém, anh vừa nói: "Thịt trâu quý lắm. Trâu Lạc Dương lại nổi tiếng thơm ngon, thịt săn chắc do thả trong rừng để rừng nuôi. Nơi tôi sống mọi người hay ăn thịt trâu trong những dịp quan trọng như mừng thọ, giỗ, lễ hội...". 

Anh lý giải trâu thả vào rừng lâu ngày tâm tính cũng thay đổi, gần như trâu rừng. Đôi lúc chúng sẽ hung hãn khi có người lại gần nên rất khó bắt. Ngoài anh, cũng có vài người nữa nhận bắt trâu thuê.

Mỗi chuyến như vậy, sau khi bắt được trâu và xẻ thịt gùi về, anh được trả 3 triệu đồng. Nếu chủ trâu cần bắt sống đưa về tận nhà chờ ngày xẻ thịt, giá sẽ cao hơn. Để hoàn thành công việc đặc biệt này, anh thường đi cùng hai người khác. Họ sẽ được chủ trả 1 triệu đồng.

Theo anh, nếu tính công cán và những nguy hiểm có thể gặp phải khi đụng độ trâu hung dữ, chưa kể đi rừng dễ dính bệnh, số tiền này chẳng thấm vào đâu. Nhưng vì gắn bó với nghề, với cái núi cánh rừng nên họ vẫn duy trì đến nay.

Pling tìm thấy trâu như thế nào? Khi đã đi bộ chừng 8 - 10km hoặc xa hơn, qua những ngọn đồi, khe suối hiểm trở, chui qua tán rừng rậm rạp, anh đặt chân tới khu vực trâu hay "quần thảo". Lúc này, anh phát hiện dấu chân chúng và cây cỏ bị giẫm đạp thành vệt. "Nghĩa là có trâu ở đó. Tôi tiếp tục quan sát, có khi sẽ rải muối để trâu theo vết muối ăn", anh nói.

Từ một khoảng cách an toàn, anh cẩn thận quan sát sừng, dáng trâu... để chắc chắn đó là con mình cần tìm. Yên tâm, anh quay ngược về nhà, gọi thêm hai người để vào bắt "ông sửu". Cũng có khi, họ chỉ đi một chuyến chừng ba ngày là xong việc, thong dong trở về.

Nhìn về hướng rừng xa xa, Pling nói tiếp: "Công việc này không có thời gian làm cố định, khi nào có người nhờ thì tôi đi. Cách đây ba tuần tôi cũng đi một chuyến". Hỏi anh có sợ những bất trắc, nguy hiểm, anh cười: "Có gì đâu mà sợ. Gia đình tôi sống nơi núi rừng này bao nhiêu năm rồi. Rừng thân quen lắm".

Nghề tìm ông sửu giữa đại ngàn - Ảnh 3.

Trâu thả rừng được Pling bắt từ rừng về chuồng - Ảnh: NVCC

"Trâu cũng có linh hồn"

Nói về khó khăn của công việc này, Pling nói có lẽ là những lúc băng rừng vượt suối, ngủ đêm trong rừng. Anh thường trải tấm bạt dưới gốc cây, đốt đống lửa nhỏ, chợp mắt giữa bốn bề vọng lại âm thanh đại ngàn.

Khi bắt được trâu, người mướt mồ hôi, cả nhóm mới hoàn thành việc xẻ thịt, bỏ vào bao. "Chúng tôi lội bộ ra lại khu rẫy nơi gửi nhờ xe, chia nhau thồ những bao thịt nặng trở về làng. Người chủ cũng thường cho ít thịt về ăn...", anh nói.

Những chú trâu được chọn bắt về thường là trâu đực. Trâu cái và con của nó vẫn để lại trong rừng. "Có khi trâu đực cũng tách đàn đi lẻ hoặc nhập vào đàn khác nên tìm được chúng không dễ. Trâu đực lại rất mạnh, không cẩn thận sẽ bị chúng húc. Ở làng cũng có người từng bị húc, phải nằm viện", anh kể. Tuy nhiên, đối với công việc này, anh tự tin mình lành nghề có tiếng.

Hớp một ngụm nước, anh kể lần đầu tiên tìm được một con trâu là cách đây chừng hơn 20 mùa rẫy. Khi đó, anh đi cùng cha, chỉ đứng nhìn để học hỏi nhưng trong bụng vô cùng thán phục.

Lớn lên, tự tay bắt được trâu, anh cảm nhận "trâu cũng có linh hồn". Gia đình anh cũng đang thả 11 chú trâu trong rừng nên anh hiểu rõ tập tính của loài này. "Trâu mình nuôi sẽ quen hơi mình. Chỉ cần mình chạy xe máy qua, chúng sẽ nhận ra tiếng xe của chủ. Cứ một tuần tôi lại chạy xe đi thăm chúng. Việc rải muối cũng là để chúng quen với chủ...".

Một người em họ của Pling lâu lâu cũng theo anh mình vào rừng tìm trâu. Pling cũng thân quen ông Cil Juynh, một người cũng nhận tìm trâu giúp bà con. Nghe chúng tôi hỏi, ông Juynh cười khà: "Giờ ít người đi tìm trâu giống chúng tôi. Số lượng trâu chăn thả cũng ít đi. Bà con quen biết nên mình mới đi tìm như vậy thôi. Với lại, mỗi chuyến đi rừng cực nhọc kể không hết".

Nghe ông nói, chúng tôi cảm thấy ở họ có nét gì đó giống nhau khi phảng phất sự phóng khoáng, mênh mông của đại ngàn. Và có lẽ họ còn hao hao nhau ở chỗ đã in dấu trong những khu rừng cùng đàn trâu cả lạ lẫn quen.

Nghề tìm ông sửu giữa đại ngàn - Ảnh 4.

Trâu thả rừng được Pling bắt từ rừng về chuồng - Ảnh: YẾN TRINH

Gắn bó với đàn trâu và mê... âm nhạc

Trong căn nhà nằm gần giáo đường trăm năm tuổi dưới chân đỉnh Lang Biang, Pling và những người bạn ân cần tiếp đón khách lạ. Chóe rượu cần khiêng ra giữa nhà. Những người đàn ông ở buôn làng như Pling thường có tính cách trầm lặng, chỉ mở lòng khi hơi rượu đã mềm môi.

Trò chuyện với Pling, ngoài những câu chuyện tìm trâu, chúng tôi còn được biết về đời sống nơi sương phủ chiều hôm này. Anh chia sẻ rằng bên cạnh những cánh rừng, một thứ anh cũng rất yêu đó là âm nhạc. "Từng học nhạc dưới thành phố nên tôi thạo nhiều loại nhạc cụ, như guitar, kèn, đàn ống tre...", anh nói.

Pling thích đàn. Sau những lúc đi rừng tìm trâu, đi rẫy chăm cà phê, anh thường cùng bạn bè đàn hát. Từ những giai điệu trầm hùng của phố núi cho đến những bài tình ca của những năm 2000, anh đều thuộc ca từ và nhớ tên nhiều bài hát. Có lẽ, âm nhạc đã giúp anh vơi đi những nỗi mệt nhọc khi đi rẫy, đi tìm trâu.

Sắp tới, anh nói nếu có người nhờ, anh vẫn sẽ đi tìm "ông sửu". Hồi giỗ cha vợ và mừng thọ mẹ vợ, anh cũng bắt hai con về. "Cặp trâu này thuộc dạng lì nên tôi và hai người bạn trở đi trở lại gần một tuần mới khuất phục được chúng. Ban đầu chúng trốn trong khoảng rậm rịt, phải nhờ đến chó săn mới bắt được. Còn bình thường nếu xua chó trâu sẽ hoảng...", anh vui vẻ kể.

Từ lâu, trâu thả rừng ở huyện Lạc Dương nổi tiếng vì thịt ngon, ngọt, chắc. Mỗi kg thịt có giá khoảng 250.000 đồng. Theo Pling và ông Juynh, một trong những lý do họ thả trâu vào rừng là vì đỡ mất thời gian trông nom. Hơn nữa nếu chăn thả ngoài làng, họ sợ trâu sẽ đi vào vườn rẫy người khác ăn rau màu hoặc đi ra đường quốc lộ gây nguy hiểm.
Những con voi cô độc, buồn đến mức tìm trâu kết bạnNhững con voi cô độc, buồn đến mức tìm trâu kết bạn

TTO - Ở Nghệ An, số voi tự nhiên nhiều thứ ba cả nước. Nhưng nhiều đàn voi trong số này là "đàn đơn lẻ", chỉ còn một con sống đơn độc. Chúng thường xuyên về khu dân cư, xung đột với người, tàn phá hoa màu khiến chính quyền đau đầu tìm giải pháp.

Xem thêm: mth.51111541231403202-nagn-iad-auig-uus-gno-mit-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề tìm 'ông sửu' giữa đại ngàn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools