Dollar Index – chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – chiều nay xuống thấp nhất một năm tại 100,78 điểm. Chỉ số này được dự báo giảm hơn 1% trong tuần này - mạnh nhất kể từ tháng 1.
USD yếu đi do nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngừng nâng lãi khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm 13/4, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của nước này giảm mạnh nhất gần 3 năm. Một ngày trước đó, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp số liệu này hạ nhiệt.
"PPI của Mỹ bất ngờ giảm mạnh khiến mọi người càng tin tưởng Fed sẽ sớm ngừng nâng lãi, thậm chí bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay", Ray Attrill – Giám đốc chiến lược ngoại hối tại National Australia Bank nhận định trên Reuters.
Thị trường hiện đặt cược 69% xác suất Fed nâng lãi thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong cuộc họp tháng sau. Nhà đầu tư cũng ngày càng tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất nhiều lần, từ tháng 7 đến cuối năm. Lãi suất tháng 12 được dự báo chỉ nhỉnh hơn 4,3%. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,75-5%.
Euro đang ở mức cao nhất một năm so với USD. Hiện mỗi euro đổi được 1,1075 USD. Tuần này, đồng tiền chung châu Âu đã tăng giá 1,5% so với đồng bạc xanh.
Bảng Anh chiều nay cũng lên đỉnh 10 tháng so với USD. Mỗi bảng hiện đổi được 1,2545 USD.
Nhiều đồng tiền khác cũng đang tăng giá so với USD. Đôla New Zealand tăng 0,19%, hiện lên một NZD đổi 0,63 USD.
Yen Nhật – đồng tiền được ưa chuộng trong thời kỳ biến động – lên 132 yen đổi một USD. Giá nhân dân tệ trên thị trường quốc tế tăng 0,5% so với đồng bạc xanh, lên 6,83 nhân dân tệ một USD.
Hà Thu (theo Reuters)