Sáng 14-4, Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (quận 1, TP.HCM).
Nhiều khu vực thấm, dột tại bảo tàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho biết: “Do thời gian, nhiều khu vực của Bảo tàng Lịch sử bị thấm, dột. Đến mùa mưa, nhiều vị trí ngói không còn đủ độ che phủ, bị vỡ, mục. Nước mưa theo đó tràn vào, thấm vào chân tường.
Đối với công tác trưng bày, triển lãm, độ ẩm và nước là kẻ thù rất nguy hiểm. Nó sẽ phá hỏng các tư liệu, hiện vật của mình. Trong khi đó, số tư liệu trưng bày chỉ chiếm một phần nhỏ trong kho tư liệu. Vì vậy, các yếu tố đó có thể phá hỏng kho tư liệu, rất khó phục hồi, thậm chí có những thứ không thể phục hồi”.
Theo đó, phần quan trọng nhất trong đợt tu bổ lần này là công tác chống thấm cho bảo tàng.
Phần ngói của bảo tàng sẽ được hạ giải và thay bằng loại ngói tương ứng, giống với nguyên bản.
Ngoài ra, công tác tu bổ còn tiến hành sửa chữa thiết bị, thay thế hệ thống điện và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Bà Nguyễn Khắc Xuân Thi - phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - cho biết công tác tu bổ sẽ được thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”.
Tức là tu sửa theo từng phần để đảm bảo các hoạt động tham quan bảo tàng vẫn diễn ra bình thường.
Tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và đền thờ Hùng Vương
Nói về giá trị của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong đời sống hiện nay, ông Trần Thế Thuận chia sẻ: "Bảo tàng Lịch sử là một trong những bảo tàng lâu năm của TP.HCM và có nhiều giá trị văn hóa, lưu giữ nhiều hiện vật quý.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cùng với các bảo tàng khác đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa phục vụ cho người dân thành phố và khách tham quan. Giúp họ hiểu rõ hơn không chỉ lịch sử của dân tộc ta mà còn là nền tảng văn hóa của một dân tộc đã trải qua rất nhiều thời kỳ".
Theo kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo cầm viên.
Quá trình tu bổ được thực hiện trong khoảng 540 ngày, dự kiến hoàn thành ngay dịp lễ Quốc khánh 2024. Tổng mức đầu tư cho dự án là 44,9 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Số hóa các bảo tàng ở TP.HCM
Về đường hướng phát triển sắp tới của các bảo tàng, ông Trần Thế Thuận cho biết: "Chúng tôi đề ra ba nhiệm vụ cho các bảo tàng.
Đầu tiên là tăng cường, đổi mới công tác trưng bày để thu hút hơn đối với khách tham quan. Đặc biệt là mở rộng đối tượng khách tham quan, không chỉ trực tiếp mà còn trực tuyến.
Chúng tôi sẽ lập hệ thống số hóa để khách tham quan có thể tìm hiểu bảo tàng ở bất cứ nơi đâu, thông qua các ứng dụng.
Thứ hai, chúng tôi yêu cầu các bảo tàng phải phối hợp để khai thác lẫn nhau các giá trị hiện vật. Người dân có thể xem từ một bảo tàng nhưng thấy được tất cả các hiện vật ở các bảo tàng khác để tiết kiệm thời gian và làm phong phú thêm kho tư liệu của các bảo tàng.
Cuối cùng, chúng tôi cũng tăng cường, đổi mới đội ngũ làm công tác quản lý. Đội ngũ này cần tập huấn và nghiên cứu học tập nhiều hơn, có những chuyến tham quan để mở rộng kiến thức".
Sau hơn 300 năm tồn tại, đến nay đình Chí Hòa đã xuống cấp trầm trọng. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ra quyết định tu bổ đình với mức đầu tư 34 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.23414004141403202-mch-pt-us-hcil-gnat-oab-oat-not-ob-ut-gnod-it-54-ihc-mch-pt/nv.ertiout