Thoạt nhìn, việc đặt đèn giao thông vào đầu ô tô đang di chuyển có vẻ phản trực giác, dư thừa, vô dụng hoặc vô nghĩa. Bởi cả thế giới đã thống nhất sử dụng đèn giao thông báo cho mọi người trên đường biết lúc nào thì xe dừng, người đi bộ băng qua đường và ngược lại.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô đang đặt ra vấn đề: Nếu là ô tô tự lái thì sao? Ô tô tự lái có thể luôn “nhìn” và “đọc” được đèn giao thông khi con người không can thiệp?
Vì vậy, Skoda đã quyết định thử nghiệm công nghệ mới cho xe tự lái. Đặc biệt, hệ thống đèn giao thông gắn trên lưới tản nhiệt sẽ tập trung chủ yếu vào người đi bộ, trẻ em, người già và người khuyết tật.
Hệ thống này là giao diện “người-máy” Human Machine-Interface (HMI) bao gồm một bảng đèn LED gắn trên lưới tản nhiệt hiển thị các biểu tượng đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhìn và quen thuộc.
Những chiếc xe được trang bị công nghệ này có thể phát hiện khi có người muốn băng qua đường, xe sẽ dừng lại, màn hình LED hiển thị mũi tên màu xanh lá cây (tương tự đèn giao thông) cùng hình người đi bộ, báo hiệu an toàn để sang đường.
Nếu ô tô tính toán không thể dừng lại trong khoảng cách an toàn, hình tam giác cảnh báo đèn đỏ sẽ xuất hiện, cảnh báo người đi bộ không nên sang đường vào lúc này.
Ô tô sẽ chẳng khác gì đèn giao thông di động với công nghệ mới của Skoda - Video: Skoda
Skoda đã thử nghiệm hệ thống này trên mẫu Enyaq iV (trong môi trường được kiểm soát và hạn chế) bằng cách sử dụng kính theo dõi chuyển động của mắt để phân tích con người nhìn rõ trước hết ở đâu, thời gian ra xử lý thông tin là bao lâu. Kết quả cho thấy lưới tản nhiệt phía trước là khu vực thích hợp nhất để lắp đặt màn hình HMI.
Tuy nhiên, công nghệ an toàn này khó sớm được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Vì hai lý do chính.
Đầu tiên, thiếu khuôn khổ pháp luật để chuẩn hóa tất cả các vấn đề có liên quan. Chẳng hạn, ô tô dân dụng không được phép có bất kỳ loại đèn màu nào ở phía trước và phía sau, trừ đèn phanh màu đỏ đã có tiêu chuẩn.
Ngoài ra, các nhà lập pháp cũng phải họp bàn để đưa ra quy chuẩn chung như kích thước tối thiểu của màn hình, độ sáng, tốc độ thay đổi nội dung, hình dạng của các biểu tượng.
Thứ hai, chỉ có thể lắp đặt “đèn giao thông” này trên xe điện, bởi nếu áp dụng cho xe động cơ đốt trong sẽ làm cản trở quá trình nạp khí.
Bên cạnh “đèn giao thông”, Skoda cũng đang thử nghiệm một công nghệ khác hỗ trợ người đi bộ: robot tự hành IPA2X, cao 2,1m, được xem là một đèn giao thông thông minh di động.
Khi hoạt động, người ta sẽ để IPA2X đứng giữa vạch băng qua đường, rồi bật đèn xanh cho người đi bộ, đèn đỏ cho ô tô khi cần, không khác mấy một “cảnh sát giao thông”. IPA2X làm được điều này bằng cảm biến LiDAR để quét hình ảnh xung quanh và ra quyết định xem có an toàn để kêu gọi ô tô dừng lại nhường đường cho người đi bộ hay không.
Ngoài ra, IPA2X cũng có giao tiếp với hệ thống thông tin giải trí của ô tô và cảnh báo người lái xe về sự thay đổi luồng giao thông. Sau khi những người đi bộ đã sang đường an toàn, robot sẽ quay trở lại lề đường.
Nếu biến lưới tản nhiệt thành đèn giao thông quá khó khăn, có lẽ robot sẽ khả dĩ hơn - Video: Skoda
Nhà máy lắp ráp ô tô Skoda đã được TC Motor bắt đầu xây dựng ở Hạ Long, trong khi website chính thức tại Việt Nam hé lộ thời điểm ra mắt những chiếc xe của thương hiệu Cộng hòa Czech.
Xem thêm: mth.15163158041403202-gnoht-oaig-ned-hnaht-teihn-nat-ioul-neib-man-teiv-oav-pas-ex-gnah/nv.ertiout