Góp ý vào dự thảo luật BHXH, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đề nghị cần quy định cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28 - NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH đề ra.
Theo Hội LHPN Việt Nam, dự thảo luật BHXH quy định trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng đối với công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, dự thảo lại giới hạn số người hưởng trợ cấp hưu trí thông qua điều kiện về độ tuổi là người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.
Riêng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu (dưới 15 năm đóng BHXH) nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Hội LHPN Việt Nam nêu rõ: "Những người cao tuổi từ 60 - dưới 80 tuổi nếu chưa từng tham gia BHXH sẽ không thuộc đối tượng áp dụng. Hội LHPN Việt Nam đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng của chế độ hưu trí xã hội theo dự thảo luật BHXH và chế độ bảo trợ xã hội trong luật Người cao tuổi để tránh trùng lặp trong việc thi hành luật".
Ngoài ra, Hội LHPN Việt Nam đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28 - NQ/TƯ về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2025 có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đến năm 2030, có 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Dẫn chứng từ kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, dân số cao tuổi là 11,41 triệu người, tương ứng 11,86% tổng dân số; trong số người cao tuổi, nhóm người cao tuổi từ 60 - 69 tuổi có tốc độ tăng nhiều nhất, tiếp đó là nhóm từ 80 tuổi trở lên, Hội LHPN Việt Nam cho rằng: "Việc quy định lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là phù hợp với quy định tại Hiến pháp 2013, công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, những người cao tuổi từ 60 - 69 tuổi sẽ là nhóm đông nhất có nhu cầu về trợ cấp hưu trí xã hội, trong khi lại không đủ điều kiện để hưởng".
Ngoài ra, theo Tổ chức Lao động quốc tế, về khoảng cách giới trong hệ thống BHXH, diện bao phủ BHXH ở Việt Nam còn thấp. Năm 2019, chỉ có 31,3% phụ nữ và 22,1% nam giới tham gia BHXH. Tỷ lệ lương hưu ở người từ 65 tuổi trở lên chỉ từ 16% đối với nữ và 27,3% đối với nam. Hội LHPN Việt Nam cho rằng, còn tỷ lệ rất lớn người cao tuổi trong độ tuổi hưu trí, nhất là nhóm từ 60 - 69 tuổi không được bảo vệ bởi chính sách BHXH, an sinh xã hội khác.
Đề nghị nghiên cứu một số quyền lợi cho phụ nữ mang thai
Liên quan đến quy định trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, Hội LHPN Việt Nam đánh giá, việc mở rộng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con tham gia BHXH được hưởng 2 triệu đồng/con mới sinh là chính sách vô cùng nhân văn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Hội LHPN Việt Nam đề nghị, Bộ LĐ-TB-XH làm rõ căn cứ xác định mức trợ cấp thai sản để đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu khi sinh con; đồng thời, cần nghiên cứu một số quyền lợi đối với phụ nữ mang thai như khám định kỳ, đỉnh chỉ thai nghén… trong chế độ thai sản.