Ngày 15-4, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 20. Hội nghị có sự tham gia của 26 chuyên gia là các bác sĩ phẫu thuật thuộc nhiều chuyên ngành đến từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp... và gần 150 báo cáo viên trong nước.
Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết Bệnh viện Bình Dân là chiếc nôi chuyên ngành ngoại khoa ở TP.HCM cũng như của các tỉnh phía Nam.
Hai bệnh nhân ung thư được phẫu thuật bằng robot thế hệ mớiĐỌC NGAY
Sở Y tế đánh giá cao hội nghị khoa học lần này. Đây là sự kiện khoa học được tổ chức với quy mô hội nghị chuyên ngành tầm cỡ khu vực, với hơn 250 bài báo cáo khoa học chất lượng, chuyên sâu về chuyên ngành.
Với chủ đề "Kết nối chuyên gia ngoại khoa quốc tế", hội nghị khẳng định thế mạnh trong việc mở rộng năng lực điều trị, đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho biết qua 6 năm (2016-2022) triển khai phẫu thuật robot, số trường hợp người bệnh được phẫu thuật tại bệnh viện là 1.804 người, tăng 1,67 lần.
Phẫu thuật robot tại bệnh viện này được áp dụng nhiều nhất trong phẫu thuật vùng chậu, và chủ yếu cho nhóm bệnh lý ung thư.
Trong đó, ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt là hai bệnh lý có tốc độ tăng nhiều nhất khi sử dụng robot phẫu thuật qua từng năm.
Cũng theo ông Hưng, cuối năm 2016, phẫu thuật robot tại bệnh viện được thực hiện ở 5 bệnh lý là ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt, bướu thận và sa sinh dục. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, phẫu thuật bằng robot đã được thực hiện trên 14 bệnh lý.
“Điều này cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của phẫu thuật robot”, ông Hưng đánh giá.
Ông Hưng cũng cho biết thêm, phẫu thuật robot phát triển nhanh tại Việt Nam nhưng rất khiêm tốn so với các khu vực trên thế giới.
Tại Bệnh viện Bình Dân, tỉ lệ phẫu thuật robot chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng các trường hợp phẫu thuật toàn viện.
Nguyên nhân là do bệnh viện chỉ có một hệ thống phẫu thuật (hệ thống robot Da Vinci do Mỹ sản xuất), tối đa là 2 ca/ngày, khiến tỉ lệ bệnh nhân có khả năng tiếp cận phương pháp này chưa nhiều.
Theo ông Hưng, phẫu thuật bằng robot có nhiều lợi thế so với phẫu thuật nội soi truyền thống: camera phóng đại lên 12 lần, các dụng cụ robot có thể gập, duỗi, công nghệ chống rung chủ động giúp phẫu thuật viên có thể thao tác tốt trong không gian chật hẹp.
“Xu hướng phẫu thuật robot tăng dần ở Bệnh viện Bình Dân. Vì vậy, tiềm năng ứng dụng phẫu thuật robot rất lớn để điều trị các bệnh lý ác tính và lành tính cho người Việt Nam”, ông Hưng cho biết thêm.
Tại Việt Nam, phẫu thuật robot được áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Nhi trung ương vào năm 2014, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật robot trên người lớn (năm 2016).
Trong những năm tiếp theo, phẫu thuật robot được áp dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Vinmec Hà Nội.
Những năm qua, các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân đã đến nhiều bệnh viện ngoài nước để chuyển giao phương pháp phẫu thuật robot điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Điều này ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của nền y học Việt Nam hội nhập với quốc tế.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) vừa chuyển giao phương pháp phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa cho các bác sĩ nước ngoài tại một bệnh viện của Philippines.