Anh P.C.H, một người trồng mít ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng cho biết khi trồng mít, đặc biệt là giống mít Thái, hầu hết người trồng đều dùng bao để trùm quả mít lại nhằm tránh bị côn trùng, ruồi vàng chích làm hư trái mít.
Hầu hết mít thu mua về đều cắt đầu để kiểm tra. Ảnh: VT |
Tuy nhiên, khi nhìn bên ngoài khó để phân biệt được chất lượng bên trong. Chính vì vậy, hầu hết thương lái khi thu mua, đều cắt 1 miếng ngay cuống trái mít để kiểm tra chất lượng.
Chị H.T.K.T một thương lái chuyên mua, bán trái cây ở huyện Đạ Huoai cho hay, mục đích chính của việc cắt 1 miếng nhỏ ở đầu trái mít là để kiểm tra xem bên trong có bị xơ đen hay không.
Nông dân trồng mít cũng chủ động cắt 1 miếng ở đầu trái mít để kiểm tra. Ảnh: VT |
“Giống mít Thái mà bị xơ đen sẽ nhạt, múi lép, cơm sượng và không thơm như bình thường. Loại này thường là hàng dạt, không thể bán cho khách được” chị H.T.K.T nói thêm.
Ngoài ra, việc cắt 1 miếng nhỏ ở đầu trái mít còn để kiểm tra xem trái mít đó già hay còn non.
Một điều mà người ưa thích loại trái cây thơm ngon này đáng quan tâm nữa chính là chất màu trắng được bôi ở ngay chỗ vết cắt.
Chị H.T.K.T giải thích, khi cắt đầu mít để kiểm tra, người ta phải lấy ngay vôi đã tôi bôi vào vết cắt đó để chống ruồi nhặng bâu vào. Vôi còn chống việc xâm nhập của côn trùng, vi khuẩn.
Mít Thái ở Lâm Đồng hiện đang có giá tại vườn là 23 ngàn đồng/1 kg. Ảnh: VT |
Như vậy, những ý kiến cho rằng thương lái mua mít xanh về cắt một miếng ở đầu rồi bôi thuốc vào nhằm thúc cho mít nhanh chín là thông tin không đúng. Điều này không những làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho nông dân trồng mít.