Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho hay trong những năm qua, TP.HCM và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
"Trách nhiệm của cơ quan nhà nước rất lớn trong việc kết nối giữa nhà phân phối và nhà cung cấp. Các tỉnh cần tạo ra các sự kiện để người dân, doanh nghiệp có thể bán các sản phẩm của tỉnh cũng như kết nối nông dân để tạo nên các sản phẩm OCOP chất lượng.
Mặt khác, nhà phân phối nên gặp gỡ các nhà sản xuất để kết nối, bơm vốn đầu tư để phía sản xuất hàng hóa có thể sản xuất đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có các chính sách, quan tâm hỗ trợ kịp thời để họ cùng phát triển sản phẩm tại địa phương", ông Hoan nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh tinh thần của TP mong muốn mở rộng giao thương, kết nối với các địa phương. Đặc biệt là kết nối các thành viên với nhau, giúp đỡ nhau đôi bên cùng có lợi. Mặt khác, doanh nghiệp phải cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm; nhà bán hàng cố gắng hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - nhận định trong nhiều nội dung hợp tác, lĩnh vực du lịch, kết nối cung - cầu thương mại, chuyển đổi số và nông nghiệp là các mảng mà TP.HCM và các tỉnh Nam Trung Bộ có triển vọng hợp tác hiệu quả nhất.
Trong số đó, cần chú trọng hợp tác về y tế, giáo dục. Phía TP.HCM sẽ tăng cường hơn nữa tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh Nam Trung Bộ, đưa các doanh nghiệp công nghệ, chế biến của thành phố tham gia vào khâu sau sản xuất ở các địa phương.
"Khác với hợp tác trước đây, lần này các địa phương sẽ ký kết hợp tác chung cả vùng và riêng ở một số lĩnh vực, tránh các tỉnh cạnh tranh lẫn nhau làm mất động lực phát triển chung. Để việc hợp tác hiệu quả, thực chất, thời gian tới sẽ thành lập hội đồng điều phối chung, mỗi tỉnh cử ra một cơ quan thường trực, chuyên ngành tham gia.
TP.HCM chịu trách nhiệm xây dựng chương trình hợp tác cụ thể cho từng năm. Đồng thời, lập một trang điện tử cập nhật liên tục các hoạt động liên kết", ông Mãi nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2023-2025, TP.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ thống nhất phối hợp, mở rộng hợp tác, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm theo quy mô phát triển của vùng, bao gồm: phát triển du lịch, kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được biết, trong những năm qua, TP.HCM và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Trên lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỉ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm.
Ở lĩnh vực du lịch, việc hợp tác phát triển sản phẩm du lịch rất đa dạng phong phú; các công ty du lịch nổi tiếng của TP.HCM đã có mặt tại khu vực này như Saigontourist, Vietravel...
Về y tế, TP.HCM đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chương trình y tế quốc gia như: Đề án 1816 (đề án tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới), bệnh viện vệ tinh, đề án khám chữa bệnh từ xa, tập huấn... cho 25 cơ sở y tế của vùng. Từ đó mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho các tỉnh...
Bên cạnh các nội dung hợp tác chung, căn cứ nhu cầu, điều kiện, khả năng của các bên, TP.HCM còn hợp tác song phương với từng tỉnh trong giai đoạn 2023-2025.
TP.HCM - Bình Định: Hỗ trợ tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh; tư vấn, hỗ trợ tỉnh Bình Định phát triển khu đô thị thông minh, kiểu mẫu; hỗ trợ lĩnh vực an sinh xã hội…
TP.HCM - Bình Thuận: Hỗ trợ đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho các bệnh viện tỉnh Bình Thuận nhằm nâng cao năng lực điều trị bệnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; giới thiệu nhà đầu tư tiềm năng đầu tư dự án vào tỉnh Bình Thuận ở các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, chế biến, chế biến sâu khoáng sản titan…
TP.HCM - Khánh Hòa: Mời gọi, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực y tế.
TP.HCM - Ninh Thuận: Hỗ trợ mời gọi, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh; hợp tác đầu tư, khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná; kinh doanh bất động sản, y tế…
TP.HCM - Phú Yên: Hợp tác các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và xúc tiến đầu tư - thương mại.
TP.HCM - Quảng Ngãi: Hợp tác các lĩnh vực: xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, khoa học công nghệ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lợi thế, đặc trưng của tỉnh.
Với tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1 đạt 0,7%, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội TP.HCM cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% của TP.HCM trong năm nay rất khó khả thi, đồng thời dự báo mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%.
Xem thêm: mth.94552119151403202-ob-gnurt-man-iah-neyud-hnit-6-iov-cat-poh-tek-yk-mch-pt/nv.ertiout