Ba Lan, Hungary cùng cấm nhập ngũ cốc Ukraine
Chính phủ Ba Lan, Hungary đều đưa ra các lệnh tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác của Ukraine để bảo vệ nông dân địa phương.
Theo Hãng tin AFP, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua ngả Liên minh châu Âu sang các nước khác đã bị chặn do chiến sự, vì các tuyến đường Biển Đen truyền thống của đất nước không thể được sử dụng.
Do các vấn đề hậu cần, ngũ cốc bị dư thừa đã đẩy giá ngũ cốc địa phương xuống thấp, nông dân đã phản đối buộc bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan phải từ chức.
Ba Lan cho rằng nếu không hành động như vậy sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp của Ba Lan...
Do đó họ phải bảo vệ nền nông nghiệp của đất nước. Mặc dù Ba Lan nhấn mạnh họ vẫn không dao động trong việc hỗ trợ Ukraine, là một người bạn, người đồng minh của Ukraine.
Lệnh tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine của Ba Lan và Hungary đều kéo dài đến ngày 30-6. Ba Lan áp dụng với ngũ cốc, đường, thịt, trái cây và rau, sữa, trứng và các hàng hóa khác. Hungary cấm ngũ cốc, hạt có dầu và một số sản phẩm nông nghiệp khác.
Phía Ukraine lấy làm tiếc về quyết định này và nói rằng dù hiểu rằng nông dân Ba Lan, Hungary gặp khó khăn nhưng nông dân Ukraine là người đối mặt với những khó khăn lớn nhất do chiến sự với Nga. Ukraine đề nghị các bên đi đến một thỏa thuận mới hợp lý hơn.
Tàu Singapore bị cướp cập bến Bờ Biển Ngà an toàn
Quân đội Bờ Biển Ngà cho biết con tàu chở dầu đăng ký ở Singapore bị cướp trong những ngày qua đã khôi phục kiểm soát.
Ngày 15-4, tàu được hộ tống đến cảng Abidjan ở Bờ Biển Ngà an toàn sau 5 ngày bị cướp biển chiếm giữ ở vịnh Guinea.
Ngày 11-4, cơ quan quản lý cảng của Singapore cho biết có "những người không xác định danh tính" lên tàu tại vị trí cách Bờ Biển Ngà khoảng 300 hải lý (555km). Trên tàu có 20 thủy thủ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Bờ Biển Ngà Lassina Doumbia cho biết hoạt động tìm kiếm của hải quân Bờ Biển Ngà với sự hỗ trợ của máy bay hải quân Pháp đã xác định vị trí con tàu.
Các thủy thủ trên tàu an toàn và khỏe mạnh.
Đức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng
Ngày 15-4, từ 10h - 20h là thời hạn Đức tắt ba lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Hãng tin AFP cho biết trong bối cảnh Đức đang tìm cách từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng năng lượng do chiến tranh ở Ukraine gây ra, quyết định này cho thấy quyết tâm thoát khỏi năng lượng hạt nhân của Đức.
Đức bắt đầu tìm cách thoát khỏi năng lượng hạt nhân từ năm 2002 và đẩy nhanh mục tiêu này sau sự cố hư hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật do động đất và sóng thần. Đức cho rằng những rủi ro của năng lượng hạt nhân là không thể kiểm soát.
Để thay điện hạt nhân và cả năng lượng của Nga, Đức tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và tập trung vào mục tiêu sản xuất 80% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Sudan xảy ra giao tranh, ít nhất 25 người chết
Tư lệnh quân đội Sudan, tướng Abdel Fattah Al-Burhan, ngày 15-4 xác nhận quân đội đang kiểm soát Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội và sân bay, sau khi đụng độ nổ ra giữa quân đội và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự đầy quyền lực ở quốc gia Bắc Phi.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Hội Bác sĩ Sudan cho biết có ít nhất 25 người thiệt mạng và 183 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ đang diễn ra trên khắp Sudan.
Hội không thể xác định liệu những người thương vong có phải là dân thường hay không.
Các đảng phái chính trị ở Sudan kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng các quốc gia trong khu vực triển khai hành động khẩn cấp để ngăn chặn những cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF.
Các lực lượng vũ trang Sudan bác bỏ mọi khả năng đàm phán hoặc đối thoại với RSF cho đến khi giải thể luôn nhóm RSF.
* Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Các bên xung đột ở Sudan nên ngừng chiến sự
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cho biết: "Tổng thư ký lên án sự bùng nổ hoạt động chiến sự giữa Lực lượng phản ứng nhanh và lực lượng vũ trang Sudan".
Tổng thư ký kêu gọi các chỉ huy Lực lượng phản ứng nhanh và lực lượng Sudan lập tức chấm dứt hoạt động chiến sự, khôi phục hòa bình và bắt đầu đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Người phát ngôn cho biết bất kỳ sự leo thang hoạt động chiến sự đều gây ra hậu quả tàn khốc cho dân thường và làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã bấp bênh chao đảo ở Sudan.
Mùa hoa nở ở công viên Trung tâm, Mỹ
TTO - Ngày 25-10, tướng Abdel Fattah al-Burhan - người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan - tuyên bố giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc sau khi binh lính bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao.