"Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ tại TP.HCM, tôi và con mở mang rất nhiều. Được nghe các chuyên gia định hướng, con tin hơn nghe ba mẹ nói (cười).
Gặp đại diện các đại học, con có cái nhìn khách quan, thông thoáng hơn, biết ngành học sẽ học gì, ra trường làm gì" - ông Sơn nói.
* Vì sao ông quan tâm đến việc chọn ngành, chọn nghề của con?
- Do khoảng cách về lứa tuổi, thế hệ cùng với sự phát triển từng ngày từng giờ của kinh tế - xã hội, phụ huynh không quan tâm sẽ không theo kịp, không thể đồng hành cùng con khi chọn ngành, chọn nghề. Chưa kể các trường đại học đang có khá nhiều phương thức xét tuyển.
Hồi trẻ, tôi không học đại học chính quy. Đi làm một thời gian, tôi mới trở lại học đại học, vừa học vừa làm. Có một đoạn tôi làm nghề không đúng sở thích, sở trường.
Đi làm thấy tám tiếng dài đằng đẵng. Từng ngày từng tháng trôi qua rất mệt mỏi, không hiểu mình đi làm để làm gì. Có phải mình gắn bó với công việc chỉ vì cuối tháng được nhận lương?
Vì vậy, tôi rất lo cho con. Không biết con có tìm được đúng nghề mình thích hay không? Từ cuộc đời mình, tôi thấy không có gì hạnh phúc bằng được làm nghề yêu thích.
Cái nghề đó sẽ phải phù hợp với con người, tính cách của con. Có như thế, con sẽ rất hạnh phúc và làm như chơi, chơi như làm.
* Hành trình đồng hành cùng con chọn ngành, chọn nghề của ông diễn ra thế nào?
- Khi con học lớp 9, tôi thường có những buổi nói chuyện với con. Tôi nói giá trị của việc chọn đúng ngành nghề, để con ý thức định hướng nghề nghiệp quan trọng ra sao.
Tôi thường nói với con rằng con chọn công việc nào cũng được, nhưng với công việc ấy, con sẽ sẵn sàng ước vì sao một ngày không có 48 tiếng để làm việc cho thật "đã".
Tôi tìm thêm một số công cụ trắc nghiệm để con có thêm kênh tham khảo. Hai ba con cũng dự một số chương trình tư vấn hướng nghiệp của các chuyên gia, tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ cũng là một cách để con có thêm góc nhìn mới.
Đôi khi suy nghĩ giữa ba mẹ và con không gặp nhau. Rất may, ba con tôi chưa rơi vào tình huống này nhưng xung quanh tôi thấy rất nhiều.
Chẳng hạn, có người quen của tôi, cả hai vợ chồng đều làm giáo viên nên muốn con nối nghiệp. Nhưng con lại không thích, muốn chọn nghề "bay nhảy" hơn là nghề giáo. Dù có một số buổi họp gia đình nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.
* Nếu rơi vào trường hợp không tìm được tiếng nói chung với con trong chọn ngành nghề, ông sẽ làm gì?
- Đầu tiên là tôn trọng và lắng nghe con. Có thể ba mẹ chưa đủ thông tin, chưa thể bao quát các ngành nghề mới. Cũng có thể những suy nghĩ của con chưa thật chuẩn xác. Bên nào đúng, bên nào sai, cả hai sẽ phân tích sau.
Nhưng trước hết ba mẹ cần lắng nghe với một thái độ rất tôn trọng ngay từ đầu.
Có thể tìm đến một bên thứ ba, như một chuyên gia hoặc một chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp uy tín, để tìm thêm lời khuyên. Ba mẹ cũng có thể cho con làm một vài trắc nghiệm bản thân để có thêm góc nhìn.
Con không chọn đúng nghề là một sự lãng phí, không chỉ cho mình mà còn cho nguồn lực của xã hội. Quan trọng hơn là con không tìm thấy hạnh phúc. Thời gian, tuổi trẻ bị lãng phí không thể quay trở lại được.
Sáng nay (16-4), chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đặc biệt "Cùng con bước vào tương lai" dành cho phụ huynh sẽ diễn ra từ 7h30 tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (59C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).
Xem thêm: mth.5803508061403202-hnagn-gnud-gnohk-nohc-noc-ol-tar-iot-hnis-neyut-nav-ut/nv.ertiout